Buổi tọa đảm có sự tham dự của ông Trương Hùng Long - Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại, ông Nguyễn Thành Long - Chủ tịch Hội đông quản trị Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội, bà Tô Thị Nguyệt Nga, Phó cục trưởng Cục Quản lý ngân quỹ - Kho bạc Nhà nước cùng với đại diện Vụ Tài chính ngân hàng và cán bộ của Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại và các đơn vị liên quan.
Phát biểu tại buổi lễ khai mạc, Ông Trương Hùng Long – Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại nhấn mạnh buổi tọa đàm sẽ là cơ hội giúp các cán bộ của cả Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại, cũng như Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội cập nhật thêm kiến thức về nợ, về thị trường Trái phiếu Chính phủ để phục vụ cho công tác quản lý của cả hai đơn vị.
Bắt đầu buổi tọa đàm, bà Nguyễn Thị Thu Hiền – Phó trưởng phòng Phòng Kế hoạch và quản lý rủi ro – Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại đã có bài trình bày về Tình hình nợ công và công tác quản lý nợ công năm 2011-2017 và định hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới. Bà Hiền cho biết, tình hình nợ công trong giai đoạn 2011-2017 tăng nhanh với mức tăng trung bình khoảng 18,4% hàng năm. Đến cuối năm 2017, ước dư nợ công là 3.128 nghìn tỷ đồng, bằng 62,6% GDP, nợ Chính phủ là 2.590 nghìn tỷ, bằng 51,8% GDP. Tỷ trọng nợ trong nước của Chính phủ tăng dần, từ mức 40%/GDP năm 2011 lên 60,3% GDP năm 2017, góp phần đảm bảo an ninh tài chính quốc gia (trong đó vay trong nước chủ yếu là phát hành Trái phiếu Chính phủ).
Tiếp theo chương trình, bà Nguyễn Thị Ngọc Hiếu, Trưởng Phòng Huy động vốn - Cục Quản lý ngân quỹ - Kho bạc Nhà nước, Ông Trần Anh Tuấn – Giám đốc Phòng Thị trường Trái phiếu và Ông Phạm Văn Hiếu – đại diện Vụ Tài chính Ngân hàng đã có các bài trình bày xoay quanh các vấn đề về nghiệp vụ phát hành Trái phiếu Chính phủ, tình hình phát triển thị trường trái phiếu Chính phủ năm 2017 và định hướng, giải pháp phát triển thị trường trái phiếu Chính phủ năm 2018- 2020.
Theo đó, dư nợ Trái phiếu Chính phủ tại thời điểm 31/12/2017: 1.327.167,5 tỷ đồng và 2,7 tỷ USD, tăng 11,5% so với cuối năm 2016 và tương đương khoảng 27,40% GDP.
Khối lượng phát hành TPCP 2011-2017
Đơn vị: tỷ đồng

Nguồn: KBNN
Tỷ lệ dư nợ so với GDP

Nguồn: Vụ TCNH
- Kỳ hạn phát hành bình quân tăng từ mức 8,71 trong năm 2016 lên 12,52 trong năm 2017. Kỳ hạn còn lại của danh mục TPCP cuối năm 2017 là 6,63 năm tăng 0,65 năm so với mức 5,98 năm cuối năm 2016.
- Lãi suất phát hành có xu hướng giảm từ 0,62% đến 1,89% ở tất cả các kỳ hạn, lãi suất phát hành bình quân là 6,07%, giảm 0,42% so với mức 6,49% của năm 2016. Lãi suất bình quân danh mục cuối năm 2017 đạt 6,89% giảm 0,24% so với mức 7,13% cuối năm 2016.
- Về giao dịch thứ cấp:
- Bình quân 9.214 tỷ đồng/phiên tăng 46,6% so với năm 2015 (bình quân 6.285 tỷ đồng/phiên)
- Bình quân giao dịch outright là 4.672 tỷ đồng/phiên và giao dịch repo là 4.542 tỷ đồng/phiên
- Về cơ cấu nhà đầu tư:
- Theo loại hình nhà đầu tư: NHTM nắm giữ 52,4%, BHXH nắm giữ 36,3%, các công ty bảo hiểm nắm giữ khoảng 6,7%, BHTG nắm giữ2,8%, các nhà đầu tư khác nắm giữ 1,8%.
- Theo địa lý: Nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ khoảng 5%, nhà đầu tư trong nước nắm giữ khoảng 95%.
Trong năm 2018, thị trường trái phiếu sơ cấp sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ, thực hiện trao đổi thông tin về kế hoạch, thời điểm, kỳ hạn và lãi suất phát hành, diễn biến thị trường để phối hợp giữa công tác phát hành trái phiếu và điều hành chính sách tiền tê, cũng như theo dõi diễn biến thị trường, duy trì các buổi tham vấn, trao đổi chính sách với thành viên thị trường để nắm bắt nhu cầu đầu tư và trao đổi về công tác phát hành TPCP; yêu cầu các thành viên thị trường tuân thủ nghĩa vụ năm 2018. Các giải pháp để điều hành thị trường bao gồm việc tăng cường hợp tác quốc tế và trao đổi thông tin về phát triển thị trường TPCP với các nước trong khu vực và trên thế giới và tăng cường hợp tác với các đối tác: Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng phát triển Châu Á, Đại sứ quán Anh, GIZ
Buổi tọa đàm diễn ra tuy chỉ trong một buổi sáng nhưng đã có rất nhiều thông tin hữu ích đến từ các bài tham luận.