Điểm báo về nợ công (Từ 01/04 đến 30/04/2019)

08:22 AM 13/05/2019 |  Lượt xem: 8103 |  In bài viết |    Đọc bài viết send email  Gửi góp ý

Từ ngày 01/04 đến ngày 30/04, một số cơ quan báo chí đã đưa tin về vấn đề nợ công và xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam. Trong đó, đáng chú ý là sự kiện Standard&Poor’s nâng hạng tín nhiệm của Việt Nam sau 9 năm.

- Thời báo Tài chính Việt Nam (5/4) đưa tin “Bộ Tài chính tổ chức hội nghị tập huấn kế toán quản lý nợ công” cho biết: Ngày 5/4, tại Ninh Bình, Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (QLN&TCĐN) phối hợp với Cục Quản lý, giám sát (QLGS) kế toán, kiểm toán (Bộ Tài chính) tổ chức hội nghị tập huấn kế toán nợ nước ngoài của Chính phủ. Phát biểu tại hội nghị, ông Trương Hùng Long - Cục trưởng Cục QLN&TCĐN khẳng định, đây là lần đầu tiên có một hội nghị cho những cán bộ làm công tác kế toán tài chính đối ngoại. Điểm đặc biệt, chúng ta đã có một công cụ kế toán riêng đối với các khoản vay, trả nợ nước ngoài của Chính phủ, của chính quyền địa phương, kết hợp với phương pháp thống kê các khoản nợ cho vay lại và bảo lãnh chính phủ. Ông Long tin tưởng, với công cụ kế toán mới này, sẽ là điều kiện thuận lợi cho việc tăng cường hơn nữa tính minh bạch và công khai trong công tác quản lý nợ công.

Còn theo ông Vũ Đức Chính, Cục trưởng Cục QLGS kế toán, kiểm toán, từ khi Luật Quản lý nợ công năm 2017 ra đời, song hành với việc thực hiện Luật Kế toán kết hợp với các thông lệ kế toán quốc tế đang ngày càng được áp dụng tại Việt Nam cho thấy, để quy trình quản lý nợ công được minh bạch, công khai hơn thì nhất thiết phải dùng công cụ kế toán. "Chính vì vậy, cùng với yêu cầu của Luật Quản lý nợ công và các nghị định hướng dẫn, căn cứ vào các thông lệ kế toán quốc tế, Cục QLGS kế toán, kiểm toán phối hợp với các đơn vị (Cục QLN&TCĐN, Kho bạc Nhà nước, Vụ Ngân sách nhà nước) thiết kế chế độ kế toán quản lý nợ công (Thông tư 74/2018/TT-BTC)" - ông Chính nhấn mạnh.

- Bản tin Thời sự 19h- Đài Truyền hình Việt Nam (9/4); Báo Đại đoàn kết (8/4) có bài “ Standard&Poor’s nâng hạng tín nhiệm của Việt Nam”; Thời báo ngân hàng (8/4) có bài “S&P nâng xếp hạng tín nhiệm cho Việt Nam”; VnExpress.net (7/04) đưa tin “S&P nâng xếp hạng tín nhiệm cho Việt Nam sau 9 năm”; VnEconomy.vn (7/4) đưa tin “Standard & Poors nâng xếp hạng tín nhiệm cho Việt Nam sau 9 năm”; Zing.vn đưa tin “Việt Nam được Standard & Poor’s nâng hạng tín nhiệm sau 9 năm”, cho biết: Ngày 5/4/2019, Tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế Standard&Poors (S&P) đã công bố nâng hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn cho Việt Nam từ mức “BB-” lên mức “BB” với triển vọng “ổn định”, đồng thời khẳng định xếp hạng tín nhiệm ngắn hạn cho Việt Nam ở mức “B”. Lần đầu tiên sau 9 năm (kể từ tháng 12/2010) giữ nguyên mức xếp hạng “BB-”, S&P đã quyết định thăng hạng tín nhiệm quốc gia cho Việt Nam. Cùng với việc Moody’s nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia cho Việt Nam từ mức “B1” lên “Ba3” với triển vọng thay đổi từ “ổn định” lên “tích cực” tháng 8/2018, Fitch Ratings cũng thăng hạng tín nhiệm cho Việt Nam từ mức “BB-” lên mức “BB” với triển vọng “ổn định” tháng 5/2018 (Trước đó, tháng 7/2014 Moody’s nâng xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam từ “B2” lên “B1” với triển vọng “ổn định”; tháng 11/2014, Fitch xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam từ mức “B+” lên “BB-“ với triển vọng từ “Tích cực” sang “Ổn định”). Việc S&P nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia cho Việt Nam lần này đã cho thấy những chuyển biến tích cực của nền kinh tế vĩ mô Việt Nam được ghi nhận rõ nét trong mắt các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế.

Trong Báo cáo xếp hạng tín nhiệm đã công bố, S&P đánh giá cao công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ Việt Nam. Những cải thiện nhất quán và mạnh mẽ của nền kinh tế vĩ mô, cùng với sự ổn định chính trị tiếp tục là minh chứng cho những cải cách nền tảng thể chế đáng ghi nhận. S&P cũng tin tưởng những kết quả tích cực này sẽ tiếp tục được cải thiện trong thời gian tới, hỗ trợ tích cực cho hồ sơ tín nhiệm quốc gia của Việt Nam.

- Thời báo Ngân hàng (19/4) có bài “Giảm áp lực nợ công” cho biết: Tỷ lệ nợ công/GDP đã liên tiếp giảm trong 2 năm vừa qua, xếp hạng tín nhiệm quốc gia gần đây cũng được nâng lên… Đó là tín hiệu đáng mừng. Nhưng cũng còn nhiều yếu tố cho thấy chúng ta chưa thể yên tâm với an toàn nợ công.

Việc các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế nâng xếp hạng cho Việt Nam trong thời gian vừa qua là một yếu tố tích cực, giúp phần nào giảm bớt chi phí vay. Tuy nhiên, có một thực tế phải thừa nhận là chi phí vay trên thị trường quốc tế còn rất cao vì chúng ta vẫn còn cách vài bậc (với điều kiện không bị đánh tụt hạng xếp hạng tín nhiệm và tiếp tục được nâng từ 2-3 lần nữa) mới đạt đến “mức khởi điểm đầu tư” mà các hãng xếp hạng tín nhiệm đặt ra. Trong khi đó thường phải mất nhiều thời gian cho mỗi lần nâng hạng. Theo Đề án nâng cao xếp hạng tín nhiệm quốc gia năm 2013, Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2020 đạt mức tối thiểu bằng mức khởi điểm đầu tư. Điều này có nghĩa chúng ta chắc chắn đã “lỗi hẹn” về mặt thời gian và cần rất nhiều nỗ lực mới mong đạt được mục tiêu này trong tương lai.

Theo PGS.TS. Phạm Thế Anh, cần cắt giảm được một cách đáng kể với chi thường xuyên – mảng chiếm tỷ trọng cao nhất trong chi tiêu ngân sách. Theo chuyên gia này, trong nhiều năm qua, chúng ta đã nói rất nhiều đến việc tinh giản bộ máy, giảm chi thường xuyên nhưng không thực hiện được. Do đó, đã đến lúc vấn đề này cần được làm quyết liệt trước khi muốn vay nợ để tài trợ cơ sở hạ tầng mới mà không làm nợ công và thâm hụt ngân sách tiếp tục tăng cao. Bên cạnh đó, cần tăng cường cơ cấu lại vốn vay theo hướng hạn chế vay nước ngoài, từng bước thay thế bằng nợ trong nước để giảm rủi ro vỡ nợ và an toàn tài chính quốc gia. Ngoài ra, cần kiểm soát chặt chẽ các khoản nợ bảo lãnh Chính phủ và giảm bảo lãnh Chính phủ đối với các dự án của DNNN, trừ những dự án có hiệu quả kinh tế để thực hiện chức năng xã hội và hoạt động không vì mục đích thương mại.

Thường trực Ban Biên tập