Những vấn đề đối với chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế: Con quỷ của Kuznets hay sự hình thành khái niệm GDP

03:15 PM 03/08/2020 |  Lượt xem: 4164 |  In bài viết |    Đọc bài viết send email  Gửi góp ý

Trong phần lớn lịch sử loài người, sự vận hành của cái mà chúng ta thường gọi là “nền kinh tế” khá giống với sự vận hành của một chiếc hộp đen (black box). Thực ra qua hàng thiên niên kỷ, khái niệm nền kinh tế gần như không tồn tại. Có ít nhất hai lý do cho việc này. Thứ nhất, trước cuộc Cách mạng công nghiệp ở thế kỷ 18 không có cái gọi là tăng trưởng kinh tế. Khi đó, sản lượng của các xã hội nông nghiệp về cơ bản là hàm số của thời tiết. Nếu mưa nhiều có nghĩa là mùa màng sẽ bội thu, nếu không sẽ là mất mùa. Và trước thời đại công nghiệp cũng không có sự chênh lệch lớn về hiệu quả sản xuất giữa vùng này so với vùng khác. Người ta khi đó cũng chỉ là sống qua ngày, không quan tâm lắm tới việc tính đếm sản lượng. Do đó, quy mô kinh tế của một khu vực về cơ bản được quyết định bởi quy mô dân số. Vào năm 1000 sau Công nguyên, Trung Quốc và Ấn Độ chiếm đến hơn một nửa tổng sản phẩm của thế giới, và tỷ lệ này cũng không thay đổi nhiều trong 600 năm sau đó (và có thể trong tương lai nó lại tiệm cận với con số trước đây một lần nữa).

Thứ hai, trong thời kỳ các vương quốc, đặc biệt là đối với những người được Nhà thờ La Mã phong tước, thì những gì diễn ra bên ngoài vương quốc không hề quan trọng. Đối với một vương quốc toàn trị, không có sự phân biệt giữa của cải của nhà vua với của cải của các thần dân trong vương quốc. Nếu như không có sự phân biệt giữa của cải của nhà vua và của cải của thần dân thì sẽ chẳng có cái gọi là nền kinh tế. Ngoài việc duy trì tòa án theo cách của nhà vua thì việc duy nhất đòi hỏi nền kinh tế đó là tài trợ cho các cuộc chiến tranh. Một quốc gia sẽ phát triển chỉ khi nó chiếm được thêm các vùng đất khác. Nếu như nhà vua có thể huy động quân đội để đánh chiếm những vùng đất mới thì của cải của quốc gia sẽ gia tăng. Thế nhưng làm sao mà ta biết được liệu vương quốc của mình có đủ nguồn lực để chi cho chiến tranh? Phần lớn những nỗ lực trước đây trong việc tính đếm quy mô của nền kinh tế là vì lý do cần phải đánh giá khả năng của một vương quốc trong việc tiến hành chiến tranh.

Ở Pháp năm 1781, Jacques Necker, Bộ trưởng tài chính người Thụy Sỹ của vua Louis XVI đã đệ trình báo cáo nổi tiếng của mình Compte rendu au roi, “Báo cáo nhà vua”. Đây là nỗ lực đầu tiên nhằm tính toán một cách nghiêm túc khả năng tài chính của nước Pháp. Necker vốn là một chủ nhà băng cực kỳ thành công (vậy liệu hồi chuông cảnh tỉnh đã gióng lên chưa?), đã chỉ ra rằng tình hình tài chính của Pháp khi đó rất tốt, tổng thu được cho là vượt chi đến 10 triệu livres. Mục đích chính của báo cáo này là để chỉ ra rằng Pháp có thể dễ dàng tham gia vào cuộc chiến tranh cách mạng của Mỹ (nội chiến của Mỹ), trong đó nước Pháp ở thế đối đầu với Vương quốc Anh. Necker, người đã gây dựng tài sản của mình thông qua đầu cơ, muốn chứng minh rằng tình hình tài chính của Pháp là rất tốt và có thể dễ dàng vay tiền để tài trợ cho cuộc chiến. Tuy nhiên, điều mà Compte rendu au roi bỏ qua một cách thông minh đó là nước Pháp khi đó đã vay nợ rất nhiều chính theo sự tư vấn của Necker. Như vậy, chính bản thân nỗ lực đầu tiên tính toán tài khoản của quốc gia cũng đã là tính toán không tưởng (fiction) và sai lệnh.

Nhát dao của Necker đâm vào tài khoản quốc gia không phải là nhát dao đầu tiên mà đó phải là của William Petty với kết quả thống kê Down (Down Survey) vào năm 1652, được xem là nỗ lực một cách có hệ thống lần đầu tiên khảo sát nền kinh tế của một quốc gia, trong trường hợp này là nền kinh tế Ireland. Với sự hỗ trợ của các công cụ giản đơn và nhân công là hàng ngàn binh lính thất nghiệp, Petty đã thực hiện việc vẽ bản đồ đất đai của 15 hạt, gồm tổng cộng 5 triệu acres. Động cơ chủ yếu của việc này là tính toán đất đai của nhà thờ thiên chúa giáo mà Oliver Cornwell chiếm được và dùng để trả nợ cho những người đã tài trợ cho cuộc chiến tranh cũng như các khoản nợ lương đối với binh lính. Cùng với việc vẽ bản đồ phân định đất đai, Petty đã thực hiện một đợt thống kê tương đối kỹ lưỡng về tài sản, gồm tàu thuyền, nhà cửa và tài sản tư nhân. Trên cơ sở này, ông ta tính ra các dòng thu nhập có thể được tạo nên từ đó. Đây là điểm khác biệt chủ yếu so với các tính toán trước đó như ở đợt thống kê với kết quả thể hiện tại cuốn Doomesday Book năm 1086.

Sau đó, đến khi phục hồi quyền lực của vua Charles II, Petty lại thực hiện việc làm tương tự đối với nước Anh và xứ Wales. Lần này, mục tiêu là nhằm cải thiện khả năng của vương quốc trong công tác đánh thuế đối với thần dân. Petty đề nghị ghi chép thống kê tiêu dùng nội địa, sản xuất, thương mại, gia tăng dân số và bắt đầu xây dựng các phương pháp tính toán giá trị của lao động và đất đai.

Nếu như những nỗ lực ban đầu thống kê nền kinh tế có cùng một mục tiêu là phục vụ chiến tranh, đánh thuế và đáp ứng nhu cầu của vương quốc thì cũng có những trường phái thực hiện theo các hướng khác. Tại Pháp vào thế kỷ 18 có trường phái trọng nông (physiocrats), cho rằng của cải của một dân tộc bắt nguồn từ sản xuất nông nghiệp và lao động. Khác với Petty, trong lý giải của trường phái trọng nông, “giai cấp có ích” (productive class) gồm chủ yếu là lao động trong lĩnh vực nông nghiệp còn tầng lớp ăn bám (sterile class) gồm nghệ sỹ, các chuyên gia, nhà buôn và chính bản thân nhà vua.

Trong tác phẩm “Tìm hiểu bản chất và nguồn gốc của cải của các dân tộc” xuất bản lần đầu vào năm 1776, Adam Smith cũng phân chia lao động thành hữu ích (productive) và vô dụng (unproductive). Ông viết, “một người sẽ trở nên giàu có bằng cách tuyển dụng nhiều người làm công và sẽ nghèo đi nếu thuê nhiều người phục vụ” ( A man grows rich by emloying a multitude of manufaturers. He grows poor by maintaining a multitude of menial servants). Đó không phải là quan điểm ca ngợi các tầng lớp ăn bám (leisured classes). Cùng với những người hầu chuyên làm những việc vô nghĩa cho những Nhà-Quý-Tộc-Không-Làm-Việc-Gì, quốc vương, quân đội và hải quân cũng được cho là các tầng lớp vô dụng.

Cái thống nhất những nỗ lực ban đầu nhằm thống kê của cải của quốc gia chính là các nỗ lực vẽ ra cái mà các nhà kinh tế ngày nay gọi là giới hạn khả năng sản xuất, giữa các hoạt động cần được tính toán và các hoạt động không nên tính toán. Nói một cách ngắn gọn, họ đều cố gắng trả lời câu hỏi vẫn còn có ý nghĩa đến ngày nay: vậy thì chính xác nền kinh tế là gì? Trong “sổ cái” của nền kinh tế, nhà vua nên đứng ở bên dấu cộng, tức là bên góp phần vào là da, thịt của “cơ thể nền kinh tế” hay ở bên dấu trừ trong cuốn sổ cái ấy, là kẻ ăn bám vào nguồn lực, của cải của quốc gia?

Câu hỏi tương tự, rằng cái gì nên được tính và cái gì nên phải loại bỏ ra khỏi nền kinh tế vẫn luôn được đặt ra kể từ đó đến nay. Chúng ta có nên tính chi tiêu của chính phủ vào không? Còn những nhà cung cấp dịch vụ thì thế nào, khi mà dịch vụ của họ tạo ra những tâm hồn khỏe mạnh (những nhà tâm lý học); sự hài hước (những diễn viên hài); giáo dục (các giáo viên), là những thứ khó tính toán hơn giày móng ngựa, hay các thùng lúa mạch? Trong thế kỷ 20, các nước xã hội chủ nghĩa phần lớn bỏ qua giá trị dịch vụ. Ngay cả ngày nay, chúng ta cũng vẫn đang nỗ lực đánh giá, đo lường sự đóng góp của dịch vụ vào nền kinh tế.

Kiểu hệ thống tài khoản quốc gia hiện đại được hầu như tất cả các quốc gia trên thế giới sử dụng ngày nay thực ra chỉ mới bắt đầu định hình vào những năm 1930. Simon Kuznets thường được ghi nhận là người đã sáng tạo ra GDP - là tinh túy, là đại diện của hệ thống tài khoản quốc gia. Thế nhưng chính Kuznets, giống như Victor Frankenstein, đã sớm nhận ra rằng sản phẩm của mình có một đời sống, và một con đường đi của riêng nó.

Người được cho là đã sáng tạo ra cách để chúng ta đo lường tăng trưởng sinh năm 1901 trong một gia đình thương gia ở thị trấn Pinsk, khi đó là một phần thuộc Đế quốc Nga. Thị trấn Pinsk có một cộng đồng dân cư lớn là người Do thái và bố mẹ của Kuznets là người Bạch Nga (Belarus) gốc Do thái. Khi còn là một cậu bé ông sống dưới sự trị vì của Sa hoàng và khi lớn lên trở thành người ủng hộ phong trào Mensheviks với chủ trương cải cách nước Nga Sa hoàng, phong trào này đã bị đánh bại bởi cuộc cách mạng Bolshevik vào tháng 10 năm 1917. Kuznets sau đó học tại Đại học Khác-cốp ở U-crai-na tại Học viện Thương mại, chuyên ngành kinh tế học, lịch sử, thống kê và toán học. Ông là một thanh niên trẻ, có những quan điểm lớn về khoa học xã hội và tư tưởng.

Các giảng viên của ông tại Khác-cốp nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đưa ra ý kiến dựa trên số liệu thực tiễn. Đây là bài học đi cùng với ông trong suốt cuộc đời; cũng như bài học về việc đặt tầm quan trọng vào lý thuyết kinh tế trong bối cảnh rộng hơn về lịch sử và xã hội. Kuznets là một sinh viên xuất sắc. Từ những năm ở tuổi 20 ông đã xuất bản bài nghiên cứu đầu tiên về tiền lương của các công nhân trong công xưởng ở Khác-cốp. Các nghiên cứu của ông tại trường đại học bị gián đoạn bởi cuộc nội chiến của Nga và năm 1922 gia đình ông di cư đến Mỹ, qua lối Thổ Nhĩ Kỳ. Chính tại đây, người thanh niên nhập cư này đã tạo nên ảnh hưởng sâu đậm và lâu dài đến kinh tế học.

Kuznets tiếp tục việc học tập của mình tại Đại học Colombia, tốt nghiệp đại học năm 1923 và nhận bằng tiến sỹ vào năm 1926. Năm sau đó, ông gia nhập Viện nghiên cứu kinh tế quốc gia (National Bureau of Econonic Rerearch - NBRE), cơ quan nghiên cứu kinh tế được thành lập năm 1920. Kuznets trở thành một nhà khoa học kinh tế với cái mà bất kỳ nhà kinh tế nào cũng phải tự hào và mong muốn có được - xây dựng một đồ thị lý thuyết được đặt tên theo tên của cá nhân mình. Hơn thế, ông còn nhận được giải Nobel kinh tế vào năm 1971. Tuy vậy, thành tựu lâu bền nhất của ông lại nằm trong lĩnh vực giao thoa giữa kinh tế học và thế giới thực tế.

Kuznets yêu thích dữ liệu. Ông làm việc rất gần gũi với giám đốc đầu tiên của Viện nghiên cứu kinh tế quốc gia - NBRE, Wesley Mitchell, người đồng thời là Chủ tịch Ủy ban về các xu hướng xã hội của tổng thống Herbert Hoover. Công việc đó đã dẫn Kuznets đến trái tim của chính sách của chính phủ lúc bấy giờ. Chiến dịch tranh cử của Hoover khi đó hứa với người Mỹ về chính sách phải có “… một con gà trong nồi, một chiếc xe ô tô trong mỗi gara của mỗi gia đình”. Thế nhưng cuối cùng cái mà họ có được là sự đổ vỡ của phố Wall và cuộc Đại khủng hoảng. Phản ứng của Hoover đối với cuộc suy thoái kinh tế sau đó, với việc ít nhất cứ 4 người Mỹ thì có 1 người thất nghiệp, là tương đối chậm và không phù hợp. Về căn bản, ông ta nghĩ rằng nền kinh tế sẽ tự chữa lành vết thương của mình. Ông ta trấn an với người Mỹ rằng, sự thịnh vượng là chỉ đâu đó quanh đây.

Có lẽ không nên đổ lỗi mọi thứ cho Hoover. Không có phương pháp có hệ thống nào về việc vẽ nên bức tranh chính xác của nền kinh tế. Một tài liệu xuất bản năm 2000 bởi Bộ Thương mại Mỹ đã tô vẽ GDP là “một trong số những phát minh vĩ đại của thế kỷ 20” trích lời của một nhà kinh tế nói rằng, “Người ta đọc về sự thiếu can đảm của tổng thống Hoover và tổng thống Roosevelt trong việc thiết kế các chính sách để chống lại tác động của cuộc Đại khủng hoảng những năm 1930 dựa trên những dữ liệu lệch lạc như chỉ số thị trường chứng khoán, tỷ lệ vận chuyển của các xe chở hàng và những chỉ số không đầy đủ về sản xuất công nghiệp”. Khó có thể tin vào việc này ở thời điểm hiện nay khi mà người ta đã cảm thấy nhàm chán với các con số thống kê kinh tế. Thời đó, Hoover chỉ có những khái niệm thô thiển nhất về những gì đang thực sự xảy ra.

Điều đó phải thay đổi. Khi Franklin D. Roosevelt trở thành tổng thống Mỹ vào năm 1933, Kuznets được tin tưởng giao nhiệm vụ xây dựng hệ thống tài khoản quốc gia. Kuznets phác họa ý tưởng của mình trong một bài viết trên Tạp chí Bách khoa thư về các ngành khoa học xã hội (Encylcopedia of Social Sciences). Ý tưởng của ông rất đơn giản: gói gọn mọi hoạt động của con người vào một con số duy nhất.

Kuznets chính là người lý tưởng phù hợp với việc này. Ông ta gần như có sở thích đặc biệt với việc đo lường mọi thứ. Một tác giả đã so sánh phương pháp phân tích nền kinh tế với cách mà một bác sỹ khám bệnh. Ông đánh giá dựa vào các dữ liệu và hiện tượng có thể quan sát được. Thế nhưng để hiểu được tình trạng của bệnh nhân còn đòi hỏi có sự đánh giá, sự hiểu biết và tìm hiểu kỹ lưỡng về thực tiễn. Với Kuznets, sự toàn diện quan trọng hơn sự thông minh.  

Kuznets bắt đầu bằng cách phân nhóm nền kinh tế Mỹ thành các lĩnh vực khác nhau như: năng lượng, sản xuất chế tạo, khai khoáng và nông nghiệp. Ông được giao cho nhân lực gồm 03 trợ lý và 5 nhân viên là cán bộ thống kê. “Họ cùng nhau bắt tay vào việc, thăm các nhà máy, hầm mỏ, các trang trại, phỏng vấn các ông chủ và người quản lý, ghi chép lại các số liệu vào sổ sách”. Mặc dù quy mô số liệu thu thập ngày nay lớn hơn khi đó nhiều nhưng về cơ bản phương pháp điều tra dữ liệu cũng không thay đổi nhiều so với thời đại dữ liệu lớn ngày nay. Kể cả đến nay thì việc tính toán quy mô của nền kinh tế vẫn dựa chủ yếu vào việc nhân rộng (extrapolation) số liệu thu thập được chứ không phải là sự tổng hợp thống kê của toàn bộ thực tế.

Nhóm của Kuznets đã đi khắp dọc ngang nước Mỹ để hỏi các chủ trang trại, người quản lý công xưởng xem họ sản xuất thế nào, sản xuất ra bao nhiêu sản phẩm, họ đã mua bao nhiêu sản phẩm [của người khác] để làm ra sản phẩm cuối cùng của mình. Trong nhóm, họ chia sẻ dữ liệu với nhau để có thể so sánh kết quả và hài hòa những số liệu bị lệch lạc (anomalies). Kuznets hiểu rằng số liệu dù ít hay nhiều, là vô nghĩa nếu để độc lập, chúng phải được giải thích. Mặc dù phải nhiều năm sau, vào năm 1942, số liệu này mới được xuất bản lần đầu tiên với đầy đủ số liệu thống kê về tổng sản phẩm quốc dân (gross national products) nhưng việc làm của Kuznets đã sớm cho nhiều kết quả. Vào tháng 1 năm 1934 ông trình bày báo cáo đầu tiên của mình trước Quốc hội. Báo cáo này dài 261 trang và với tính chất của một báo cáo có tính lịch sử như vậy, nó được đặt cho một cái tên mà bất cứ nhà kinh tế nào cũng mơ tới: Thu nhập quốc dân giai đoạn 1929 - 1932 (National Income: 1929-32)

Báo cáo này bắt đầu với các nội dung về việc các con số có thể hay không thể cho biết. Nỗ lực của ông, như Kuznets nói, tốt nhất cũng chỉ là “sự tổng hợp của các con số ước lượng” và “chỉ là những suy đoán có cân nhắc kỹ lưỡng nhất”. Ông đã làm rõ rằng sự thịnh vượng của một dân tộc “khó có thể được suy diễn” từ những con số ước lượng đó. Tuy vậy, các trang báo cáo được chứa đựng trong cái được ví như vỏ quả bom. Trong 3 năm tiếp sau cuộc đổ vỡ của phố Wall, nền kinh tế Mỹ đã gần như suy giảm đến một nửa quy mô.  

Những phát hiện của Kuznets trở thành cơ sở cho giai đoạn 2 của chính sách Những giải pháp mới (the New Deal) của Roosevelt, trong đó chính phủ chi tiêu lớn vào đầu tư công, hỗ trợ các trang trại và an sinh xã hội nhằm kéo nền kinh tế Mỹ ra khỏi tình trạng suy thoái dường như không thể thoát ra khi đó. Kuznets đã cung cấp nền tảng số liệu thực tế khá đầy đủ và chính xác mà có thể dựa vào đó để thực hiện các hành động chính sách cấp tiến hơn là chỉ các thông tin về mức độ vận tải của xe chở hàng (như đã nói trước đây). Mặc dù vậy, ông đã từng cảnh báo rằng những số liệu ước lượng về thu nhập quốc dân là “bản thân chúng ít có giá trị”. Các con số được chạy tít trên báo không hẳn là điều quan trọng, ông ta đã nói bằng những lời lẽ nhẽ ra phải được nói to hơn vào hôm nay. Ví dụ, những phân tích kỹ lưỡng hơn về số liệu đã chỉ ra rằng bất bình đẳng gia tăng nhanh chóng trong cuộc Đại suy thoái. Lương của những công nhân lao động “cổ xanh” giảm nhanh hơn lương của tầng lớp quản lý “cổ trắng”, và rằng những người chủ sở hữu tài sản đã “chiến đấu” tốt hơn trong khủng hoảng so với những người khác. Những phát hiện này đã cung cấp cho Roosevelt những bằng chứng ông ta cần để thông qua chính sách lao động cấp tiến của mình, gồm chính sách giảm nhẹ thất nghiệp, cấm lao động trẻ em, quyền tổ chức của nghiệp đoàn. Nếu không có báo cáo của Kuznets, phần lớn các chính sách này đã không được thông qua và đã không được thực hiện.

Báo cáo này chưa phải đã hết. Năm 1936, Kuznets đã giúp tổ chức Hội thảo đầu tiên nghiên cứu về thu nhập và của cải, có sự  tham gia của những nhân vật cấp cao trong giới nghiên cứu và trong chính phủ Mỹ. Tại Hội thảo này, khái niệm tổng sản phẩm quốc dân, hay GNP, đã lần đầu tiên được sử dụng. Kết quả của 3 cuộc hội thảo thường niên đầu tiên này được xuất bản thành tài liệu cho thấy sự khác biệt rõ nét trong quan điểm của những người tham gia Hội thảo về việc cái gì nên và không nên được đo lường và bỏ ra ngoài GNP.

Cho dù Kuznets được cho là cha đẻ của GDP nhưng ở nhiều khía cạnh quan trọng, phương pháp luận được phát triển từ đầu những năm 1940 và tiếp tục được sử dụng cho đến tận bây giờ lại đi ngược với niềm tin sâu sắc của ông. Kuznets cố gắng tìm ra một thước đo thể hiện phúc lợi (welfare) thay vì cái mà ông cho rằng chỉ là phép cộng thô sơ của tất cả các hoạt động kinh tế. Ông muốn loại bỏ các hoạt động bất hợp pháp, các ngành công nghiệp có hại cho xã hội, và phần lớn các hoạt động chi tiêu của Chính phủ khỏi GDP. Trong phần lớn các vấn đề này ông đã thua. Có một sinh viên còn đi xa hơn khi cho rằng, thay vì là người đã sáng tạo ra GDP, “Kuznets lại chính là người phản đối nó dữ dội nhất”. 

Một trong những hệ quả lớn nhất của Thế chiến thứ hai là việc tạo ra bom nguyên tử. Nó được tạo ra bởi các nhà khoa học, một số nhà khoa học này là những người đã trốn khỏi chế độ phát xít ở Đức, làm việc trong dự án tối mật Manhattan tại Sa mạc Mê-hi-cô. Quả bom không chỉ là kết quả của cuộc chiến tranh, nó còn giúp thắng cuộc chiến tranh này. Ít nổi tiếng hơn và cũng được sản sinh từ Thế chiến thứ hai là GDP, sự sáng tạo ra nó được đẩy nhanh và thành khuôn thành hình bởi nỗ lực đấu tranh sinh tử với chủ nghĩa phát-xít. Cũng như với bom nguyên tử, việc tạo ra nó cũng có ảnh hưởng quan trọng đến chiến cuộc. Giống với những người dẫn dắt Dự án Manhattan, Kuznets cũng khá lưỡng lự khi tham gia xây dựng chính sản phẩm con đẻ của mình.

Kuznets cho rằng một định nghĩa có ý nghĩa về nền kinh tế nên loại bỏ chi tiêu cho quốc phòng. Trong cuộc chiến tranh, ông đã phải nhượng bộ (bent) trước sức ép phải tính vào các chi tiêu cho vũ khí nhằm đánh bại chủ nghĩa phát-xít, nhưng trong thời bình, ông lập luận rằng năng lực của đất nước tham gia vào một cuộc chiến tranh không tác động gì đến phúc lợi của dân chúng. Như ông viết vào năm 1937, báo cáo thu nhập quốc dân nên được xây dựng trên quan điểm “triết lý xã hội khai sáng” (enlightened social philosophy) và phải loại bỏ các hoạt động có hại, hay như lời của ông, “không phục vụ” (disservice). Hoạt động đầu  tiên mà ông cho rằng nên loại khỏi GDP là “tất cả các chi phí cho vũ khí”. Với Kuznets, chi tiêu cho chuẩn bị chiến tranh là yếu tố làm giảm sự thịnh vượng (well-being) của con người vì nó làm giảm khả năng tiêu dùng của cá nhân và vì nó có bản chất tự vệ. Nếu các chi tiêu đó là sự xấu xa cần thiết (necessary evil) thì nó sẽ phải xuất hiện với dấu trừ trong bảng cân đối tài sản quốc gia thay vì là dấu cộng.

Thế nhưng thu nhập quốc dân là con đẻ của chiến tranh. Kuznets đã thua cuộc chiến quan điểm này trước khi nó bắt đầu. Từ năm 1940, hội thảo thường niên mà Kuznets tổ chức về xây dựng hệ thống tài khoản quốc gia được diễn ra đằng sau những cánh cửa đóng kín. Các thảo luận về tình trạng của nền kinh tế Mỹ là một phần tối mật trong kế hoạch chiến tranh. Để khiến cho mối quan hệ này rõ ràng hơn, năm 1942 Kuznets được điều động đến Ủy ban kế hoạch sản xuất phục vụ chiến tranh.  Nhiệm vụ chính của ông tại đây là tìm ra xem liệu nền kinh tế Mỹ có đủ khả năng sẵn sàng để chuyển sang sản xuất súng đạn hay không. Nói một cách tổng quát hơn, ông cần phải đánh giá khả năng của nền kinh tế duy trì một cuộc chiến toàn diện (all-out-war) tại Châu Âu cũng như tại Châu Á, tại đây người Mỹ đã chiến đấu với Nhật Bản từ khi xảy ra sự kiện tấn công ở Trân Châu Cảng vào năm trước.  

Kuznets lao mình vào công việc. Ông nỗ lực đánh giá làm thế nào mà năng lực kinh tế của Mỹ có thể được huy động tốt nhất để đảm bảo cân bằng giữa việc xây dựng một cỗ máy chiến tranh đồng thời đảm bảo duy trì tiêu dùng nội địa cần thiết để giữ cho nền kinh tế vượt lên và duy trì được. Trong nội bộ chính phủ và quân đội đã có những sự bất đồng sâu sắc giữa những người mong muốn huy động, thậm chí là quốc hữu hóa các phương tiện sản xuất nhằm chuyển sang chế độ thời chiến; với những người khác, bao gồm những người làm việc cùng Kuznets, kết luận rằng nền kinh tế có đủ nguồn lực để huy động cho chiến tranh mà không làm tổn hại đến tiêu dùng nội địa. Những nhà kinh tế này có thể còn bị tác động bởi thời điểm Mỹ tham gia vào cuộc chiến ở Châu Âu, với kết luận rằng nước Mỹ có khả năng duy trì tốt hơn nỗ lực của mình nếu trì hoãn việc tham gia vào cuộc chiến đến thời điểm cuối năm 1943 hay đầu năm 1944.  

Giống như việc thiếu một quả bom nguyên tử, thứ có thể đã thay đổi cục diện chiến tranh theo hướng có lợi cho mình, nước Đức thiếu các nhà thống kê và các nhà kinh tế, là những người có thể đã giúp đất nước này. Nước Đức kết thúc chiến tranh mà không tạo ra bất cứ thứ gì tiến bộ như hệ thống tài khoản quốc gia hay khái niệm GNP giống như nước Mỹ.  

Còn một nhân tố quan trọng nữa, là một người có tên John Maynard Keynes. Năm 1940, hai năm trước khi Kuznets được điều động đến Ủy ban sản suất cho chiến tranh, nhà kinh tế học nổi tiếng người Anh đã viết một bài luận ngay lập tức có ảnh hưởng dưới tên gọi ít mù mờ hơn GDP: Làm thế nào để chi trả cho cuộc chiến (How to Pay for the War). Khi mà nước Anh nỗ lực thoát khỏi mối đe dọa của nước Đức quốc xã, Keynes phàn nàn rằng thống kê kinh tế là quá khó hiểu để tính toán khối lượng nguồn lực có thể huy động cho các nỗ lực chiến tranh, trong những lời mở đầu bài luận của mình, ông tìm kiếm cách để “hài hòa tốt nhất nhu cầu cho chiến tranh và nhu cầu tiêu dùng của cá nhân”.

Keynes mong muốn tìm ra cách phù hợp nhất để chia sẻ nguồn lực có hạn trong khi vẫn đảm bảo năng lực của chính phủ trong việc vay nợ để trả chiến phí. “Để tính toán quy mô của chiếc bánh được để lại sau khi tiêu dùng cho dân sự”, ông viết, chính phủ phải ước lượng một số thứ, bao gồm “sản lượng hiện hành tối đa” của nền kinh tế, tính bền vững của việc lấy dự trữ ngoại tệ để thanh toán cho nhập khẩu và số tiền phải chi cho súng, máy bay và cho binh lính. Theo tính toán sơ bộ của ông, có thể tăng sản lượng lên 15 - 20% bằng cách đưa cả thanh thiếu niên vào lực lượng lao động và bằng cách kéo dài thời gian làm việc ngoài giờ. Nhưng ông phàn nàn rằng, “số liệu thống kê để tính toán các con số ước lượng này là không đầy đủ. Mọi chính phủ kể từ cuộc chiến trước (Thế chiến thứ nhất) đã không khoa học, che giấu sự thật, và đã xem việc thu thập số liệu thực tiễn là lãng phí tiền bạc”. Ông kết luận rằng, chỉ có chính phủ mới có trách nhiệm thu thập và xử lý dữ liệu thống kê. Nếu thiếu việc này, chính phủ sẽ nỗ lực trong bóng tối.

Đó chưa phải là tất cả. Mãi đến thời của Keynes, những nỗ lực đánh giá phạm vi của nền kinh tế quốc dân trước đó đã loại trừ chính phủ. Nhưng Keynes cho rằng chính phủ đóng vai trò trọng tâm trong nền kinh tế, đặc biệt là trong giai đoạn suy thoái, khi đó chính phủ phải chi tiêu có mục đích (advocated government spending) để kích cầu. Nếu chi tiêu của chính phủ bị loại khỏi GDP thì có nghĩa rằng vai trò của nó trong nền kinh tế bị bỏ qua. Đến thời điểm đó, thu nhập quốc dân được tính là tổng của các hoạt động của thị trường, hay chi tiêu của các cá nhân thuộc khu vực tư nhân, bao gồm các doanh nghiệp, vào đầu tư và tiêu dùng. Trong định nghĩa này không có chỗ dành cho chính phủ.

Kuznets cho rằng phần lớn chi tiêu của chính phủ, bao gồm chi vào những thứ như đường xá, được gọi là chi phí trung gian, “không thể hiện rõ trong nền văn minh kinh tế của chúng ta”. Với Keynes, đây là một lỗi về khái niệm. Nếu chi tiêu của chính phủ bị loại khỏi GDP thì có nghĩa là mọi chi tiêu của chính phủ vào các hoạt động chiến tranh sẽ là dấu trừ khỏi tăng trưởng kinh tế trong hệ thống tài khoản quốc gia. Chính phủ càng chi tiêu nhiều thì càng có ít nguồn lực hơn cho tiêu dùng và đầu tư cá nhân. Quan điểm kinh tế của Keynes đòi hỏi phải thay đổi định nghĩa này về nền kinh tế quốc dân. Chính phủ phải được xem là một phần của nền kinh tế.

Đây gần như là một tuyên bố có tính cách mạng. Nó không phải cái gì khác hơn việc định nghĩa lại về nền kinh tế là cái gì. Bằng cách đưa ý tưởng này vào hệ thống tài khoản quốc gia, Keynes đã tiếp tục cho thấy ảnh hưởng của mình. Nếu như không có thay đổi về mặt định nghĩa này thì cái mà chúng ta biết ngày nay dưới tên gọi kích cầu tài khóa theo trường phái Keynes (Keyneysian fiscal stimulus) sẽ rất khó biện hộ được vì nó sẽ bị tính trừ ra thay vì tính cộng vào tổng thu nhập quốc dân. Chỉ khi chính phủ được coi là một phần của nền kinh tế thì chi tiêu của chính phủ mới đóng góp vào tổng sản phẩm cuối cùng. Bằng cách này, “định nghĩa trong thời chiến về nền kinh tế của nước Anh đã có được sự thống nhất trên toàn cầu”.

Tư tưởng của Keynes có ảnh hưởng rất to lớn ở nước Anh, khi đó một hệ thống [tính toán] mới được đưa vào thực hiện bởi hai nhà kinh tế học trẻ tuổi, Richard Stone và James Meade, được Bộ Ngân khố (Treasury) giao nhiệm vụ xây dựng hệ tống tài khoản quốc gia hiện đại mới, được xuất bản đúng hạn vào năm 1941 với sự “phê chuẩn” và thể hiện lý thuyết của Keynes. Tư tưởng của Keynes cũng nhanh chóng có ảnh hưởng ở bên kia bờ Đại tây dương là nước Mỹ, ở đó việc tài trợ cho chiến tranh đã trở thành lý do chính (raison d’être) của việc xây dựng một hệ thống tài khoản quốc gia chính xác. Những phản đối của Kuznets đã bị dẹp sang một bên bởi chính trị thực dụng, được hỗ trợ bởi những đóng góp của nền tảng lý thuyết khoa học có ảnh hưởng mạnh mẽ của nhà kinh tế học người Anh. Một nhà bình luận đã viết, giả thuyết cho rằng Keynes mới chính là cha đẻ của GDP là “một trong những bí mật về lịch sử kinh tế học được giữ kín nhất”.    

Còn một lĩnh vực thứ ba mà Kuznets mất đi ảnh hưởng đối với chính phát minh của mình. Kuznets cho rằng bất cứ cái gì có hại cho phúc lợi xã hội (social welfare) cũng cần phải được loại trừ ra khỏi GDP. Những thứ có hại này không chỉ gồm vũ khí mà còn cả là quảng cáo, đầu cơ và các hoạt động phi pháp như cờ bạc, trộm cướp, mại dâm. Nên đưa cái gì vào và bỏ cái gì khỏi GDP giống như việc làm một chiếc bánh vậy. Công thức mà bạn chọn sẽ ảnh hưởng đến hương vị và định dạng của chiếc bánh: bạn có thể có một chiếc bánh đơn giản hay một chiếc bánh sô-cô-la với nhiều gia vị khác nhau. Khẩu vị của Kuznets bị cản trở, bị cản trở cả những thứ mà ông không ưa thích. Ông cho rằng tài khoản quốc gia chỉ nên đo lường các hoạt động kinh tế có ích cho con người - như là chiếc bánh đơn giản vậy (plain sponge cake). Kuznets đã thua trong cuộc tranh luận và chúng ta có một chiếc bánh với lượng sô-cô-la gấp đôi, có kem và đường cát. Tất cả mọi thứ, dù tốt hay xấu đều có trong chiếc bánh đó. Tăng trưởng kinh tế, giống như bơ và kem, không phải lúc nào cũng tốt cho sức khỏe của bạn.

Đây là điều mà Kuznets muốn nói về vấn đề tính toán GDP và hệ thống tài khoản quốc gia:

“Sẽ có giá trị lớn nếu ta ước tính tổng thu nhập quốc dân, loại trừ được các thành tố mà trên quan điểm của triết lý xã hội khai sáng hơn chứ không phải của một xã hội truy cầu vật chất (acquisitive), đại diện cho những đóng góp chứ không phải những thứ vô dụng (diserviceservices). Ước tính đó nên loại ra khỏi tổng thu nhập quốc dân tất cả các chi phí cho vũ khí, các biển quảng cáo, phần lớn các chi phí liên quan đến tài chính và các hoạt động đầu cơ”.

Cách mà chúng ta tính toán tăng trưởng kinh tế ngày nay bỏ qua những cảnh báo của Kuznets - cha đẻ của chỉ tiêu GDP. Các ngân hàng càng lớn, các quảng cáo càng hấp dẫn và thuyết phục, tình hình tội phạm càng tồi tệ và chi phí chăm sóc y tế càng đắt đỏ thì nền kinh tế của chúng ta được xem là hoạt động càng tốt! Đó không phải là cái mà Kuznets muốn, nhưng nó lại là cái mà chúng ta đang có và phải chấp nhận.

(Còn tiếp)

Nguyễn Trọng Nghĩa (sưu tầm và tổng hợp)