Quá trình chuyển đổi lãi suất tham chiếu LIBOR và yêu cầu chuẩn bị sẵn sàng của bên đi vay

09:44 AM 15/10/2020 |  Lượt xem: 9177 |  In bài viết |    Đọc bài viết send email  Gửi góp ý

Các bên liên quan và có sử dụng LIBOR làm lãi suất tham chiếu cho các khoản vay, các khoản cho vay, các hoạt động đầu tư đều phải có sự nhận thức, chuẩn bị và sẵn sàng cho việc chuyển đổi. Trong bài viết này, chúng tôi giới thiệu một số vấn đề cơ bản nhất liên quan việc chuyển đổi lãi suất tham chiếu LIBOR và gợi ý những việc cần làm đối với người đi vay.   

1. Những vấn đề với LIBOR

Trong một bài viết trước đây vào năm 2008 chúng tôi đã bình luận về “cuộc khủng hoảng” đối với lãi suất LIBOR khi xảy ra vụ việc một số ngân hàng đầu tư quốc tế bị phát hiện thao túng lãi suất dẫn đến việc thị trường đặt nghi ngờ và giảm lòng tin đối với loại lãi suất tham chiếu này.

Trong nhiều thập kỷ qua, lãi suất liên ngân hàng (IBOR - Interbank Offer Rates) đóng vai trò là lãi suất tham chiếu cho các hoạt động vay vốn giữa các ngân hàng với nhau. Lãi suất tham chiếu liên ngân hàng London (LIBOR - London Interbank Offer Rate) - tham chiếu chi phí vay không có bảo đảm giữa các ngân hàng đối với 05 loại tiền tệ chuyển đổi chủ yếu, gồm Đô la Mỹ (USD), đồng Euro (EUR), đồng Bảng Anh (GBP), Franc Thụy Sỹ (CHF) và đồng Yên Nhật (JPY); theo 07 loại kỳ hạn vay, gồm: lãi suất qua đêm, một tuần, một tháng, 2 tháng, 3 tháng, 6 tháng và 12 tháng. LIBOR từ lâu đã và đang đóng vai trò là hàn thử biểu của nền kinh tế toàn cầu và được sử dụng rộng rãi bởi các tổ chức tài chính, các nhà đầu tư trong các giao dịch tài chính. Nói ngắn gọn, LIBOR được tính toán là lãi suất bình quân của các mức lãi suất chào cho vay được các ngân hàng tham gia trên thị trường ở London, Anh đề xuất và được thị trường tài chính toàn cầu chấp nhận với vai trò là lãi suất tham chiếu trong hầu hết mọi giao dịch tài chính. Với việc là một lãi suất chuẩn cho các giao dịch, các hợp đồng tài chính với tổng trị giá trên 300 nghìn tỷ đô la trên toàn cầu, từ lâu LIBOR đã chứng tỏ tầm quan trọng và vị trí của nó với tư cách là một chỉ số thị trường tài chính quốc tế. Không ai từng nghi ngờ điều đó cho đến năm 2008.

Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, bên cạnh những hậu quả lâu dài của nó, thì cũng làm phát lộ nhược điểm của LIBOR với vai trò là lãi suất tham chiếu cho các giao dịch tài chính trên thế giới. Các cơ quan quản lý ở Anh đã phát hiện ra rằng một số ngân hàng tham gia chào lãi suất ở các kỳ hạn khác nhau nêu trên, với các đồng tiền chủ yếu nêu trên đã thao túng mức lãi suất mà họ chào và nộp cho cơ quan quản lý để tính toán LIBOR. Điều này dẫn đến vụ xì-căng-đan đối với LIBOR và làm dấy lên quan ngại về độ tin cậy và hơn thế là việc có tiếp tục sử dụng các loại lãi suất liên ngân hàng trên thị trường vốn hay không.

2. Quyết định từ bỏ LIBOR và những tác động

Trước tình huống khủng hoảng lòng tin về lãi suất LIBOR và trước bối cảnh tác động của khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, ngay trong tháng tư năm 2009 tại Hội nghị thượng đỉnh G20 ở London, Anh, các nguyên thủ quốc gia của 20 nước lớn đã ra Tuyên bố tăng cường hệ thống tài chính1; đồng thời quyết định thành lập Ủy ban ổn định tài chính (FSB)2, có nhiệm vụ giám sát và khuyến nghị chính sách đối với hệ thống tài chính quốc tế3. FSB được giao nhiệm vụ rà soát các loại lãi suất chuẩn chủ yếu (interest rate benchmarks) và đề xuất những lựa chọn thay thế cho các loại lãi suất chuẩn đó cho thị trường tài chính toàn cầu. 

Một trong những kết quả hoạt động của Ủy ban trên là vào tháng bảy năm 2014, FSB đã đưa ra khuyến nghị của mình về việc cải cách lãi suất tham chiếu chủ yếu, bao gồm hầu hết các loại lãi suất liên ngân hàng hiện hành trên thị trường tài chính toàn cầu, theo đó đề xuất rằng có thể sử dụng một số loại lãi suất không rủi ro (risk-free) để thay thế cho lãi suất tham chiếu liên ngân hàng như hiện nay.

Cùng với những diễn biến đó, tháng bảy năm 2017, Cơ quan quản lý thị trường tài chính Anh (FCA) chính thức thông báo rằng từ sau năm 2021 họ sẽ không yêu cầu các ngân hàng tham gia đệ trình các mức chào lãi suất LIBOR nữa4. Điều này đồng nghĩa với việc sau năm 2021, chính xác là sau 31 tháng 12 năm 2021 sẽ chính thức không còn sự tồn tại của các loại lãi suất tham chiếu LIBOR cho tất cả các đồng tiền, ở tất cả các kỳ hạn nữa.

Đây là cảnh báo chính thức cho các định chế tài chính và tất cả các bên tham gia thị trường tài chính với các sản phẩm tài chính có gắn với, tham chiếu đến LIBOR. Việc không còn lãi suất LIBOR nữa như thế sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các chủ thể tham gia thị trường tài chính toàn cầu cũng như các định chế tài chính ở các quốc gia trên thế giới đối với tất cả các giao dịch hiện hành: các khoản vay, cho vay của các ngân hàng, trái phiếu của các chính phủ, trái phiếu của các công ty, các sản phẩm tài chính phái sinh gắn với lãi suất LIBOR nếu chúng đáo hạn sau ngày 31 tháng 12 năm 2021, đòi hỏi có sự chuyển đổi thích hợp đảm bảo lợi ích công bằng cho các bên trong các giao dịch tài chính. Đối với các giao dịch tài chính sau thời điểm này, các định chế tài chính các bên tham gia sẽ phải có sự chuẩn bị cho những thay đổi lãi suất tham chiếu. Các định chế tài chính quốc tế, các quốc gia đều phải tính đến những khả năng thay thế lãi suất tham chiếu để có ứng xử phù hợp, sẵn sàng đón nhận một thế giới sau LIBOR.

Đại dịch Covid-19 và những khó khăn do nó gây ra đối với nền kinh tế toàn cầu nói chung và thị trường tài chính quốc tế nói riêng liệu có khiến cho lịch trình thay thế LIBOR được trì hoãn lại hay không? Cho đến nay chưa có dấu hiệu nào cho thấy CFA sẽ hoãn thời điểm ngừng công bố LIBOR mặc dù cơ quan này sẽ tiếp tục theo dõi diễn biến từ nay đến thời điểm 31 tháng 12 năm 2021 tới. Chúng ta phải chuẩn bị sẵn sàng. Đồng hồ đang đếm ngược từ hôm nay cho việc chuyển đổi từ thời điểm Y2K của thị trường tài chính quốc tế.

3. Sau LIBOR là gì?

Các bên đều quan tâm, tính toán đến việc thay đổi lãi suất tham chiếu sau khi không còn LIBOR nữa. Các cơ quan quản lý tiền tệ, tài chính của các quốc gia, cụ thể là Mỹ (đối với đồng đô la), Anh (đối với đồng Bảng Anh), Ngân hàng Trung ương Châu Âu (đối với đồng EURO), Thụy Sỹ (đối với đồng Franc) và Nhật Bản (đối với đồng Yên) đều đã có những động thái chuẩn bị khá kỹ lưỡng và chắc chắn sẽ tiếp tục có những hành động chuẩn bị sẵn sàng cho sự chuyển đổi sang một lãi suất tham chiếu mới cho đồng tiền của mình, đảm bảo vị thế của đồng tiền cũng như sự vận hành trơn tru của thị trường tài chính quốc gia cũng như thị trường tài chính quốc tế.

Cho đến nay, mỗi loại tiền chủ yếu trong số 5 đồng tiền tự do chuyển đổi và là cơ sở giao dịch tài chính toàn cầu đã được quyết định sẽ sử dụng các lãi suất tham chiếu khác nhau, gồm:

(1) Đối với đồng đô la Mỹ, lãi suất tham chiếu mới sẽ là SOFR (Secured Overnight Financing Rate), lãi suất vay qua đêm dựa trên dữ liệu lịch sử các giao dịch vay qua đêm của các cơ quan dự trữ Mỹ, được Cơ quan dự trữ liên bang New York công bố vào khoảng 8 giờ sáng hằng ngày.

(2) Đối với Bảng Anh: lãi suất tham chiếu SONIA (Sterling Overnight Index Average) là lãi suất vay qua đêm được tính từ dữ liệu lịch sử thực tế về các giao dịch vay qua đêm bằng đồng Bảng Anh (Sterling) giữa các ngân hàng và định chế tài chính với nhau, do Ngân hàng Trung ương Anh công bố.

(3) Đối với đồng Euro: ESTR (Euro Short-Term Rate) là lãi suất vay ngắn hạn của ngày giao dịch trước đối với đồng EURO, do Ngân hàng Trung ương Châu Âu thu thập và công bố hằng ngày. Lần đầu tiên ECB công bố ESTR là vào ngày 1 tháng 10 năm 2019.  

(4) Đối với đồng Yên Nhật: TONA (Tokyo Overnight Average Rate) là lãi suất vay qua đêm đối với đồng Yên Nhật do Ngân hàng Trung ương Nhật Bản thu thập và công bố.

(5) Đối với Franc Thụy Sỹ: SARON (Swiss Average Rate Overnight) được tính từ dữ liệu giao dịch repo trên thị trường, do Ngân hàng Quốc gia Thụy Sỹ công bố.

4. SOFR - LIBOR mới đối với đồng Đô la và những việc cần làm đối với bên đi vay

SOFR được tính toán dựa trên lãi suất vay qua đêm thực tế có bảo đảm bằng trái phiếu Chính phủ Mỹ. Những khác biệt chủ yếu giữa SOFR và LIBOR gồm: (1) Cơ quan quản lý và công bố: Đối với LIBOR là do  cơ quan quản lý giao dịch liên lục địa ICE (Intercontinental Exchange Benchmark Administration) tính toán và công bố, còn SOFR là do Cục dự trữ Liên bang Newyork công bố; (2) LIBOR được tính toán dựa trên lãi suất chào cho vay không có bảo đảm trên thị trường liên ngân hàng tại London, Anh. SOFR được tính dựa trên chi phí vay qua đêm có bảo đảm bằng trái phiếu chính phủ Mỹ; (3) Về kỳ hạn, LIBOR có các kỳ hạn vay qua đêm, 1 tuần, 1 tháng, 2 tháng, 3 tháng, 6 tháng và 12 tháng còn SOFR chỉ bao gồm lãi suất vay qua đêm. (4) Phần nào trái với LIBOR, được công bố có tính dự báo trước và trong ngày giao dịch, SOFR được tính dựa trên dữ liệu giao dịch thực tế của ngày hôm trước; (5) Về khối lượng giao dịch, LIBOR được tính dựa trên các giao dịch hằng ngày có trị giá khoảng 500 triệu USD trong khi SOFR được tính trên các giao dịch hàng ngày có trị giá khoảng 700 tỷ USD.

Như vậy so với LIBOR thì SOFR có tính khách quan và độ tin cậy cao hơn với vai trò là lãi suất tham chiếu. Tuy nhiên, SOFR chỉ được công bố cho 1 kỳ hạn là lãi suất qua đêm và dựa trên dữ liệu lịch sử. Do đó, cần có sự điều chỉnh ở một số điểm như: cần tính toán lãi suất tham chiếu cho các giao dịch ở các kỳ hạn dài hơn; cố định lãi suất sớm trước ngày thanh toán trả nợ lãi; thiết lập những thông lệ thị trường mới cho việc tính toán lãi suất dồn tích theo tham chiếu từ SOFR. ARRC - Ủy ban về lãi suất tham chiếu thay thế của Mỹ (Alternatives Reference Rate Committee)5 đang tiếp tục nghiên cứu để đề xuất các giải pháp có tính kỹ thuật nhằm giải quyết các vấn đề đặt ra quá trình chuyển đổi cụ thể lãi suất tham chiếu đối với đồng Đô la Mỹ, xuay quanh việc tính toán và công bố lãi suất tham chiếu cho các kỳ hạn khác nhau.

Các bên đi vay cần có sự chuẩn bị cho quá trình chuyển đổi từ nay đến hết năm 2021, trong đó cần chủ động: (1) Rà soát các hợp đồng, hiệp định vay hay các công cụ tài chính có lãi suất gắn với LIBOR để phân loại nghĩa vụ nợ. Liệu các nghĩa vụ nợ đó có còn kéo dài đến sau 2021 hay không; (2) Trường hợp còn các nghĩa vụ lãi suất hay các nghĩa vụ tài chính khác gắn với LIBOR, bên vay cần chủ động trao đổi với bên cho vay để thống nhất từng bước về quá trình chuyển đổi trong khi các cơ quan quản lý tiếp tục giải quyết những vấn đề đặt ra cho việc áp dụng lãi suất tham chiếu mới.

(1) Declaration on Strenthening the Financial System.

(2) FSB - Financial Stability Board.

(3) Tham khảo thêm về tổ chức, nhiệm vụ của FSB tại địa chỉ: https://www.fsb.org

(4) FCA - Financial Conduct Authority là cơ quan quản lý thị trường tài chính Anh với nhiệm vụ tổng quát là đảm bảo sự ổn định và công bằng của thị trường tài chính Anh đối với các bên tham gia thị trường.

(5) ARRC do Cục Dự trữ liên bang Mỹ thành lập với thành viên là một số thành viên thị trường tài chính, các nhà quản lý nhằm đưa ra các khuyến nghị về lãi suất tham chiếu cho thị trường và đề xuất các thông lệ thị trường mới sau LIBOR

Nguyễn Trọng Nghĩa