1. Khuôn mẫu hiện hành của Việt Nam về kế toán nợ nước ngoài của Chính phủ
Từ trước khi ban hành Luật Quản lý nợ công, nợ nước ngoài của Chính phủ chỉ thực hiện thống kê số liệu nợ. Luật quản lý nợ công sửa đổi số 20/2017/QH ban hành ngày 23/11/2017 lần đầu tiên quy định về kế toán các khoản vay, trả nợ, dư nợ của Chính phủ phải được kế toán theo quy định của Luật Kế toán. Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại là một đơn vị thuộc Bộ Tài chính, có chức năng giúp Bộ trưởng Bộ Tài chính thống nhất quản lý nhà nước về vay, trả nợ của Chính phủ, của chính quyền địa phương, nợ được Chính phủ bảo lãnh (sau đây gọi chung là “nợ công”); quản lý nhà nước về tài chính đối với các nguồn viện trợ của nước ngoài và của các tổ chức quốc tế cho Việt Nam; cho vay và viện trợ của Nhà nước, Chính phủ Việt Nam cho nước ngoài; thực hiện vai trò đại diện Chính phủ và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong các quan hệ tài chính với nước ngoài và các tổ chức tài chính quốc tế; làm đầu mối tổ chức thực hiện công tác xếp hạng tín nhiệm quốc gia với các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế. Luật quản lý nợ công sửa đổi số 20/2017 quy định nhiệm vụ của Bộ Tài chính là cơ quan đầu mối giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về nợ công, trong đó có việc xây dựng và quản lý thống nhất cơ sở dữ liệu về nợ công, ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin trong công tác kế toán nợ nước ngoài Chính phủ, nợ công theo chuẩn mực và thông lệ quốc tế, phù hợp với chuẩn mực kế toán trong nước và điều kiện phát triển kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ.
Cùng với Luật quản lý nợ công được sửa đổi năm 2017, các Nghị định, thông tư hướng dẫn Luật một cách cụ thể, chi tiết cũng được ban hành, trong đó hướng dẫn chế độ kế toán đối với các khoản vay, trả nợ của Chính phủ, chính quyền địa phương, thống kê và theo dõi các khoản nợ cho vay lại và bảo lãnh Chính phủ được hướng dẫn chi tiết tại Thông tư 74/2018/TT-BTC ngày 16 tháng 8 năm 2018 do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành. Trong thông tư quy định rõ đối tượng kế toán nợ công là các khoản vay, lãi, phí đi vay, trả nợ vay trong nước, vay nước ngoài của Chính phủ và chính quyền địa phương. Nội dung kế toán nợ công là việc thu thập, xử lý, kiểm tra, giám sát, phân tích và cung cấp thông tin một cách kịp thời, đầy đủ, chính xác, trung thực, liên tục và có hệ thống về tình hình vay, lãi, phí đi vay và tình hình trả nợ vay trong nước, vay nước ngoài của Chính phủ và chính quyền địa phương. Cụ thể được quy định thành 2 nội dung lớn, đó là kế toán vay, trả nợ trong nước của Chính phủ, chính quyền địa phương và kế toán các khoản vay, trả nợ nước ngoài của Chính phủ. Trong đó,
+ Đối với kế toán vay, trả nợ trong nước của Chính phủ, chính quyền địa phương: Thông tư quy định các chỉ tiêu, yêu cầu đối với tình hình thống kê, kế toán đối với các khoản vay trong nước và chính quyền địa phương: được hạch toán trên TABMIS.Thông tư quy định như sau: hướng dẫn cụ thể về phương pháp lập chứng từ, nội dung ghi chép tài khoản kế toán, phương pháp hạch toán và ghi sổ kế Toán theo thẩm quyền được giao tại Thông tư 77/2017/TT-BTC ngày 27/7/2017 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện kế toán NSNN và hoạt động nghiệp vụ KBNN. Thông tư 74 hướng dẫn mẫu biểu, phương pháp lập báo cáo tình hình vay, trả nợ trong nước bao gồm Thống kê bảo lãnh chính phủ, Thống kê các khoản vay lại từ vốn ODA, vay ưu đãi nước ngoài và Báo cáo tổng hợp nợ công. Kho bạc nhà nước có trách nhiệm tổng hợp số liệu về báo cáo tổng hợp nợ công trên phạm vi toàn quốc.
+ Đối với kế toán các khoản vay, trả nợ nước ngoài của Chính phủ:
Các khoản vay, trả nợ của Chính phủ bao gồm hình thức vay, kỳ hạn vay, đồng tiền vay, lãi suất đi vay, phí và chi phí đi vay, thời hạn trả, địa bàn, dự án, đơn vị sử dụng vốn vay, vốn cấp phát hay cho vay lại, ghi thu, ghi chi vào NSNN,... đối với vay trong nước, vay nước ngoài của Chính phủ, trong đó cần chi tiết đến loại hình vay, nhà tài trợ, hiệp định vay, tỷ giá áp dụng,...
Thông tư 74/2018/TT-BTC áp dụng cho Cục Quản lý Nợ và Tài chính đối ngoại (Cục QLN và TCĐN) thuộc Bộ Tài chính; Các đơn vị Kho bạc nhà nước (KBNN) các cấp. Cục QLN và TCĐN có nhiệm vụ tổ chức bộ phận nghiệp vụ và phân công nhiệm vụ các bộ phận có liên quan để kế toán các khoản vay, trả nợ nước ngoài của Chính phủ, thống kê, theo dõi các khoản bảo lãnh Chính phủ; thống kê các khoản nợ cho vay lại từ nguồn vốn vay nước ngoài; Kho bạc nhà nước các cấp tổng hợp số liệu báo cáo số liệu nợ công.
Nội dung kế toán nợ Chính phủ là việc thu thập, xử lý, kiểm tra, giám sát, phân tích và cung cấp thông tin về tình hình vay, lãi, phí và chi phí đi vay và tình hình trả nợ vay trong nước, vay nước ngoài của Chính phủ.
Về chứng từ kế toán.
- Ngoài việc tuân thủ các quy định chung của chế độ hóa đơn chứng từ, thông tư này quy định 03 mẫu chứng từ kế toán bắt buộc, đó là Giấy ghi nhận nợ nước ngoài mẫu số C01/NN, Giấy ghi nhận khoản trả nợ nước ngoài mẫu số C02/NN, Chứng từ ghi sổ kế toán mẫu số C99/NN.
- Đối với một số nghiệp vụ vay, trả nợ không có quy định cụ thể về mẫu chứng từ tương ứng, kế toán được lập chứng từ ghi sổ theo quy định tại Thông tư này căn cứ trên các hồ sơ, tài liệu vay, trả nợ nước ngoài để thực hiện hạch toán theo quy định.
Về tổ hợp tài khoản kế toán
Hệ thống tổ hợp tài khoản kế toán vay, trả nợ nước ngoài của Chính phủ gồm 5 phân đoạn độc lập:
Mã
|
1
|
2
|
3
|
4
|
5
|
Mã tài khoản
kế toán
|
Mã loại
hình vay
|
Mã nhà
tài trợ
|
Mã đơn vị quan hệ vay nợ
|
Mã khoản vay
|
Số ký tự
|
5
|
1
|
5
|
7
|
10
|
(1) Tài khoản kế toán: Là hình thức phân loại đối tượng vay, trả nợ theo thời hạn và mục đích vay, phục vụ cho việc tổ chức dữ liệu, từ đó chiết xuất ra các báo cáo theo tiêu chí khác nhau
Mã tài khoản kế toán có 5 ký tự, được thiết lập căn cứ vào các tiêu chí, yêu cầu thông tin báo cáo về nợ Chính phủ theo quy định. Hệ thống tài khoản kế toán dùng để hạch toán các khoản vay, trả nợ nước ngoài tại Cục QLN và TCĐN gồm 11 tài khoản, gồm: TK 112, 131, 133, 134, 135, 311, 312, 333, 361,363,413
(2) Mã loại hình vay dùng để phản ánh và theo dõi thông tin vay theo các loại hình vay ODA, vay ưu đãi hoặc vay thương mại. Mã loại hình vay có 1 ký tự, được bố trí cho từng dự án theo các loại thỏa thuận vay với các hình thức khác nhau.
(3) Mã nhà tài trợ dùng để theo dõi chi tiết các khoản vay nợ theo từng chủ nợ, được phân loại theo các tiêu chí song phương, đa phương và chủ nợ khác theo phương án phân loại của nghiệp vụ quản lý nợ, mã nhà tài trợ gồm có 5 ký tự.
(4) Mã đơn vị quan hệ vay nợ dùng để phản ánh mục đích sử dụng các khoản vay về cấp hoặc cho vay lại cho từng địa bàn, từng dự án, từng đơn vị. Các số liệu theo dõi theo từng địa bàn, từng đơn vị phục vụ cho công tác quản lý, đối chiếu số liệu với KBNN và các đơn vị có liên quan. Mã đơn vị quan hệ vay nợ gồm có 7 ký tự, đối với ngân sách địa phương sử dụng mã địa bàn hành chính, đối với các đơn vị sử dụng mã đơn vị được cấp và sử dụng trên TABMIS. Trường hợp đơn vị chưa được cấp mã, thực hiện cấp mã theo quy định tại Thông tư 185/2015/TT-BTC ngày 17/11/2015 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc hướng dẫn đăng ký, cấp và sử dụng mã số đơn vị có quan hệ với ngân sách.
(5) Mã khoản vay dùng để phản ánh các khoản vay nợ theo từng hiệp định vay, qua đó giúp các cấp quản lý có thông tin theo từng khoản vay của từng hiệp định vay. Mã khoản vay có 10 ký tự, đồng nhất với mã hiệp định vay sử dụng trên DMFAS.
Về hệ thống sổ kế toán
Sổ kế toán dùng để phản ánh, lưu giữ toàn bộ và có hệ thống các nghiệp vụ kinh tế, tài chính đã phát sinh liên quan đến tình hình vay, trả nợ vay nước ngoài của Chính phủ, mẫu sổ được thiết kế theo quy định, sổ cái mẫu S01/NN và Sổ chi tiết các tài khoản theo mẫu số S02/NN.
Về hệ thống báo cáo tình hình vay, trả nợ nước ngoài của Chính phủ
Hệ thống báo cáo tình hình vay, trả nợ nước ngoài là các thông tin tổng hợp được hệ thống hoá và nội dung thuyết minh các chỉ tiêu kinh tế tài chính nhà nước, phản ánh tình hình vay, trả nợ nước ngoài của Chính phủ trong một kỳ kế toán, bao gồm “Bảng cân đối tài khoản nợ nước ngoài” mẫu số B01/NN, “Báo cáo thực hiện vay, trả nợ nước ngoài của Chính phủ” mẫu số B02/NN, “Báo cáo chi tiết theo kỳ hạn vay nợ của Chính phủ” mẫu số B03/NN và “Thuyết minh báo cáo tình hình vay, trả nợ nước ngoài” mẫu số B04/NN.
2. Thực trạng tổ chức công tác kế toán nợ nước ngoài của Chính phủ
2.1 Những kết quả đạt được:
Trong 2 năm qua, Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại đã thực hiện tổ chức công tác kế toán nợ nước ngoài của Chính phủ và đạt các kết quả sau:
a. Tổ chức bộ máy kế toán:
- Tổ chức bộ máy kế toán được tổ chức theo mô hình tập trung
- Tổ chức cơ cấu nhân sự và phân công lao động phòng kế toán: Cơ cấu nhân sự gồm kế toán trưởng, kế toán tổng hợp và đội ngũ kế toán viên (5 người); Về trình độ của đội ngũ kế toán: đa số kế toán viên được đào tạo về chuyên ngành kế toán, tài chính; Về phân công lao động kế toán: 1 kế toán tổng hợp, 1 kế toán chi tiết ghi nhận nợ và trả nợ nguồn vốn đa phương (ADB), 1 kế toán chi tiết nguồn vốn đa phương (WB) và thống kê cho vay lại vốn vay nước ngoài, 1 kế toán chi tiết nguồn vốn vay song phương (Âu Mỹ), 1 kế toán chi tiết nguồn vốn vay song phương (Châu Á). Trong đó, kế toán trưởng chịu trách nhiệm soát xét hồ sơ, phê duyệt chứng từ trên giấy in và trên máy; kế toán tổng hợp thực hiện định kỳ đối chiếu với các phòng nghiệp vụ, rà soát sổ chi tiết, sổ cái, báo cáo tài chính, lưu chứng từ, sổ kế toán, báo cáo tài chính; kế toán viên thực hiện kiểm tra chi tiết các trường thông tin trên hồ sơ các phòng quản lý dự án gửi, lập và hạch toán các bút toán trình Kế toán trưởng phê duyệt, lưu chứng từ.
- Đã xây dựng được bộ quy trình kế toán các khoản rút vốn vay nước ngoài, thanh toán nợ nước ngoài của Chính phủ ban hành theo Quyết định số 74/QĐ-QLN ngày 26/12/2019. Sự phối hợp giữa các phòng quản lý dự án, phòng bảo lãnh và phòng kế toán nợ để đảm bảo cập nhật thông tin vay, trả nợ, cho vay lại, bảo lãnh được đầy đủ, kịp thời. Các phòng đảm bảo tuân thủ đầy đủ các bước công việc đã xác định trong quy trình kế toán do Cục trưởng ký ban hành.
b. Xây dựng được bộ chứng từ kế toán:
Giấy ghi nhận nợ nước ngoài của Chính phủ: phản ánh tên dự án, mục đích sử dụng vốn như: hỗ trợ ngân sách, cấp phát cho dự án, cho địa phương vay lại, cho dự án vay lại, tên nhà tài trợ nước ngoài, ngày nhận nợ, số tiền gốc ngoại tệ, quy đổi ra VNĐ.
Giấy đề nghị ghi nhận chi tiêu từ TK tạm ứng: Phản ánh tên khoản vay, mục đích sử dụng vốn như: hỗ trợ ngân sách, cấp phát cho dự án, cho địa phương vay lại, cho dự án vay lại, số tiền gốc ngoại tệ, quy đổi ra VNĐ.
Giấy đề nghị tất toán tài khoản tạm ứng: Phản ánh tên dự án, tên nhà tài trợ, tên khoản vay, ngày trả nợ, số tiền gốc ngoại tệ, quy đổi ra VNĐ.
Yêu cầu thanh toán nợ: phản ánh tên nhà tài trợ, ngày đến hạn, số tiền gốc, lãi, phí, lãi phạt theo nguyên tệ, quy ra VNĐ.
Yêu cầu ghi nhận nợ lãi/ phí gốc hóa: phản ánh tên nhà tài trợ, ngày đến hạn, số tiền lãi, phí, lãi phạt theo nguyên tệ, quy ra VNĐ.
Giấy thông báo đã thanh toán nợ trực tiếp: phản ánh tên nhà tài trợ, ngày đến hạn, số tiền gốc, lãi, phí, lãi phạt theo nguyên tệ, quy ra VNĐ theo các mục đích sử dụng vốn như: hỗ trợ ngân sách, cấp phát cho dự án, cho địa phương vay lại, cho dự án vay lại.
Lệnh chi trả nợ nước ngoài bằng ngoại tệ: phản ánh tên nhà tài trợ, ngày đến hạn, số tiền gốc, lãi, phí, lãi phạt theo nguyên tệ, quy ra VNĐ theo các mục đích sử dụng vốn như: hỗ trợ ngân sách, cấp phát cho dự án, cho địa phương vay lại, cho dự án vay lại.
c. Tài khoản kế toán, sổ kế toán:
Cho mục đích kế toán quản trị, căn cứ hệ thống tài khoản ban hành theo Thông tư 74/2018/TT-BTC, Cục QLN mở thêm các TK cấp 3 để theo dõi chi tiết các dự án theo mục đích vay (cấp PHÁT cho dự án XDCB hày hành chính sự nghiệp, theo địa bàn (TW hay ĐP), theo gốc, lãi, phí. Ví dụ TK 133 mở thêm TK cấp 3 gồm TK 13311- Cấp phát dự án XDCB- TW, TK 13312 - Cấp phát dự án XDCB- ĐP, TK 13321 – Cấp phát dự án HCSN; TK 133 mở thêm TK cấp 4 gồm: TK 133111- theo dõi gốc vay, 133112 – theo dõi lãi, 133113- Theo dõi phí.
Sổ kế toán theo hình thức Nhật ký chung gồm Sổ cái các tài khoản và sổ chi tiết các tài khoản.
d. Báo cáo tình hình vay, trả nợ nước ngoài; Cung cấp đầy đủ thông tin nợ nước ngoài của Chính phủ trên bản tin nợ công hàng năm thực hiện theo đúng quy định của Thông tư 74/2018/TT-BTC ngày 16/8/2018 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ kế toán với các khoản vay, trả nợ của Chính phủ, chính quyền địa phương; Báo cáo tình hình vay, trả nợ nước ngoài của Chính phủ được lập tuân thủ theo quy định của thông tư này. Ngoài ra, Cục QLN và TCĐN có trách nhiệm thực hiện quy trình tổng hợp số liệu báo cáo cho vay lại và lập “Báo cáo thực hiện vay về cho vay lại” theo mẫu số B01/VL gửi cho kho bạc.
Trách nhiệm lập báo cáo tổng hợp nợ công
(1) Căn cứ báo cáo của các đơn vị được lập và gửi đến theo quy định của Thông tư này, Kho bạc nhà nước có trách nhiệm tổng hợp số liệu về báo cáo tổng hợp nợ công trên phạm vi toàn quốc
(2) Báo cáo tổng hợp số liệu nợ công (trong đó có số liệu nợ của Chính phủ) được gửi Cục QLN và TCĐN để lập báo cáo công bố thông tin về nợ công và giải trình số liệu vay nợ nước ngoài theo quy định của Nghị định số 94/2018/NĐ-CP ngày 30 tháng 6 năm 2018 của Chính phủ về nghiệp vụ quản lý nợ công. Danh mục báo cáo này bao gồm “Báo cáo tình hình nợ công” mẫu số B01/TH và “Báo cáo tổng hợp thực hiện vay, trả nợ của Chính phủ và chính quyền địa phương” mẫu số B02/TH:
+ Từng bước xây dựng hệ thống công nghệ thông tin hỗ trợ công tác kế toán nợ nước ngoài của Chính phủ. Cục QLN chưa có phần mềm kế toán do đặc thù nghiệp vụ vay trả nợ nước ngoài nên không có sẵ phần mềm trên thị trường. Cục có bộ phận công nghệ thông tin hỗ trợ trên ứng dụng đơn giải để tổng hợp số liệu. Về lâu dài, Cục phải thuê ngoài viết phần mềm kế toán riêng cho phù hợp.
2.2 Các vấn đề còn tồn tại và nguyên nhân:
+ Tổ chức bộ máy kế toán:
- Tổ chức cơ cấu nhân sự và phân công lao động phòng kế toán:
Về trình độ của đội ngũ kế toán: Hiện nay, bộ phần kế toán nợ nước ngoài của chính phủ còn có 2 cán bộ kế toán chưa được đào tạo chuyên ngành kế toán tài chính nên trong quá trình thực hiện còn gặp nhiều khó khăn.
Về số lượng lao động kế toán: Hiện bộ phần kế toán nợ nước ngoài của chính phủ chỉ 5 người trong khi khối lượng công việc liên quan kế toán nợ nước ngoài của Chính phủ và thống kê cho vay lại đối với các đơn vị cho vay lại, các dự án rất lớn nên trong quá trình thực hiện còn gặp nhiều khó khăn.
Về Chứng từ kế toán: hệ thống chứng từ hiện nay mới chỉ có các chứng từ liên quan đến ghi nhận nợ nước ngoài và trả nợ nước ngoài. Chưa có các chứng từ phản ánh các nghiệp vụ cho vay lại.
Về Tài khoản kế toán, sổ kế toán: Hệ thống tài khoản kế toán và sổ kế toán còn thiếu các tài khoản và sổ phản ánh phải thu lãi cho vay lại, phí cho vay lại.
Về Báo cáo tình hình vay, trả nợ nước ngoài: Hệ thống báo cáo mới chỉ đề cập đến số ghi nhận nợ và trả nợ nước ngoài, chưa có các chỉ tiêu phản ánh số cho vay lại gồm: gốc, lãi, phí cho vay lại, số phải thu cho vay lại khó đòi....
Về công nghệ thông tin hỗ trợ công tác kế toán nợ nước ngoài của Chính phủ: Công tác kế toán nợ nước ngoài Chính phủ hiện chưa có phần mềm kế toán hỗ trợ. Do tính đặc thù của công tác kế toán nợ nước ngoài nên không có sẵn phần mềm trên thị trường mà phải đầu tư thuê công ty phần mềm viết.
Nguyên nhân của những bất cập trên là do yếu tố cơ sở pháp lý, Thông tư 74/2018/TT-BTC mới yêu cầu thống kê số nợ cho vay lại, số bảo lãnh Chính phủ do đó công tác quản lý số cho vay lại còn bất cập, số liệu theo dõi không kịp thời, hồ sơ theo dõi, quản lý không được quản lý chặt chẽ, thông tin cung cấp cho việc quản lý, điều hành còn chưa kịp thời.
3. Kết luận
Nghiên cứu này đã trình bày khái quát chung về nợ nước ngoài của Chính phủ, cung cấp những thống tin cơ bản về nợ nước ngoài của Chính phủ; Hệ thống hóa được các quy định về khuôn mẫu hiện hành của Việt Nam về kế toán nợ nước ngoài của Chính phủ từ Luật quản lý nợ công, Thông tư 74 về hướng dẫn kế toán. Ngoài ra, Nghiên cứu này đã trình bày và đánh giá thực trạng tổ chức công tác kế toán nợ nước ngoài của Chính phủ. Theo đó, tổ chức công tác kế toán nợ nước ngoài của Chính phủ theo Thông tư 74/2018/TT-BTC là công việc khá mới mẻ. Bước đầu đã hoàn thành việc xây dựng số dư đầu tiên về nợ nước ngoài của Chính phủ, xây dựng bộ chứng từ kế toán, sổ kế toán và báo cáo tình hình vay, trả nợ nước ngoài về nợ nước ngoài của Chính phủ theo đúng quy định.