Trước đây, khi trên thị trường chỉ có kênh vay vốn duy nhất từ ngân hàng thương mại, áp lực và rủi ro đối với các ngân hàng là rất lớn. Tuy nhiên, với sự hình thành và phát triển của thị trường trái phiếu đã tạo thêm cho các doanh nghiệp thêm kênh huy động vốn hữu hiệu. Gánh nặng và rủi ro cho vay của các ngân hàng được san sẻ cho các nhà đầu tư trái phiếu trên thị trường. Huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu đang ngày càng trở nên hấp dẫn và thu hút được sự quan tâm của đông đảo các nhà đầu tư do chi phí huy động thấp, khối lượng vốn huy động lớn, doanh nghiệp chủ động trong khâu huy động và sử dụng vốn.
Thị trường trái phiếu Việt Nam bắt đầu hình thành từ giữa thập niên 1990, với việc Chính phủ phát hành một số đợt trái phiếu công trình, công trái để huy động vốn cho ngân sách nhà nước. Thị trường trái phiếu với hai cấu phần chủ yếu là (i) thị trường trái phiếu Chính phủ, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh, trái phiếu chính quyền địa phương và (ii) thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã hình thành và từng bước phát triển đáp ứng yêu cầu huy động vốn của Chính phủ, các Ngân hàng chính sách của Nhà nước, chính quyền địa phương và các doanh nghiệp. Các chủ thể tham gia huy động vốn trên thị trường trái phiếu hiện nay bao gồm:
- Bộ Tài chính ủy quyền cho Kho bạc Nhà nước phát hành trái phiếu Chính phủ để bù đắp bội chi ngân sách Nhà nước và trả nợ gốc các khoản nợ đến hạn theo Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Quản lý nợ công;
- Ngân hàng chính sách (Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Phát triển Việt Nam) phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh để thực hiện các chương trình tín dụng có mục tiêu của nhà nước;
- Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Thành phố phát hành trái phiếu chính quyền địa phương để huy động vốn cho ngân sách địa phương;
- Doanh nghiệp phát hành trái phiếu doanh nghiệp để huy động vốn đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh.
Trong khi đó, nhà đầu tư trên thị trường trái phiếu bao gồm các định chế tài chính trung gian (tổ chức tín dụng, công ty chứng khoán, doanh nghiệp bảo hiểm, các quỹ đầu tư), Bảo hiểm Xã hội, Bảo hiểm Tiền gửi, các nhà đầu tư tổ chức và cá nhân khác
Cơ cấu nhà đầu tư trên thị trường TPCP giai đoạn 2011-2018
Bên cạnh các chủ thể tham gia huy động vốn và các nhà đầu tư, thị trường trái phiếu còn có sự tham gia của một số các chủ thể khác như: Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), là cầu nối để trao đổi, cập nhật thông tin, tăng cường sự hợp tác giữa cơ quan quản lý, chủ thể phát hành với nhà đầu tư ... Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD), Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), Sở Giao dịch chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh (Hose) là các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ về đăng ký, lưu ký; niêm yết, giao dịch trái phiếu cho các tổ chức phát hành
Quy mô thị trường trái phiếu so với GDP
Trên cơ sở thể chế chính sách liên tục được đổi mới, khuôn khổ pháp lý ngày càng được hoàn thiện, tạo điều kiện thuận lợi cho thị trường trái phiếu phát triển không ngừng, thể hiện qua việc: sản phẩm hàng hóa trên thị trường trái phiếu ngày càng đa dạng, sự phát triển đồng bộ của các định chế trung gian và cơ sở hạ tầng của thị trường, giai đoạn 2011-2018 thị trường trái phiếu có sự phát triển cả về chiều rộng và chiều sâu, với tốc độ tăng trưởng bình quân là 26%/năm, riêng thị trường trái phiếu Chính phủ đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 35%/năm.
Quy mô thị trường trái phiếu từ mức 2,82% GDP năm 2001 lên mức 17,72% GDP năm 2011 và đạt 39,12% GDP năm 2019. Đến hết năm 2019, quy mô thị trường trái phiếu Chính phủ (TPCP) đạt 26,03% GDP, quy mô thị trường trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh (TPCPBL) là 2,39% GDP, quy mô thị trường trái phiếu chính quyền địa phương (TPCQĐP) là 0,32%; quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) đạt 10,38%GDP.
Trong thời gian tới, công tác huy động vốn qua hình thức phát hành trái phiếu trong nước sẽ ngày càng giữ vị trí quan trọng, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đã tốt nghiệp và trở thành nước có thu nhập trung bình, đi kèm với đó là khả năng tiếp cận đối với các nguồn vốn vay ODA, vay nước ngoài không được hưởng nhiều ưu đãi nữa. Trái phiếu trong nước đã và đang là một trong những chính sách trọng yếu nhằm huy động tổng lực nguồn vốn trong xã hội để bù đắp thiếu hụt ngân sách, hỗ trợ vốn cho đầu tư phát triển và tạo công cụ để phát triển thị trường vốn và điều hành thị trường tiền tệ