Trong những năm vừa qua, các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, các tập đoàn và tổng công ty của Việt Nam (như Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam) đã thực hiện nhiều giao dịch với doanh nghiệp xuất khẩu của các nước, bao gồm cả việc nhập khẩu hàng hóa/ dịch vụ để thực hiện các chương trình, dự án trọng điểm quốc gia tại Việt Nam.
Tín dụng xuất khẩu được sử dụng như là một công cụ để các bên liên quan trong hợp đồng thương mại huy động và quay vòng vốn nhanh hơn, hiệu quả hơn. Bảo hiểm tín dụng xuất khẩu vì vậy cũng được nhiều doanh nghiệp tham gia để đảm bảo tính thanh khoản cho các khoản thanh toán của hợp đồng thương mại.
Bài viết này nhằm cung cấp một số khái niệm cơ bản về bảo hiểm tín dụng xuất khẩu (TDXK) và thông tin liên quan đến chương trình bảo hiểm TDXK của Cơ quan Bảo hiểm Đầu tư và Xuất khẩu Nippon (NEXI) để các doanh nghiệp Việt Nam quan tâm tham khảo.
Ảnh: Trung tâm điều hành nhà máy - Dự án Nhiệt điện Duyên Hải 3
của Tập đoàn Điện lực Việt Nam
Tín dụng xuất khẩu là loại hình tín dụng có ràng buộc về (1) nhập khẩu, (2) xuất xứ hàng hóa/dịch vụ nhập khẩu và tỷ lệ hàng hóa/dịch vụ có xuất xứ từ một nước cụ thể.
Ảnh: Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam
Tín dụng xuất khẩu có 2 loại là tín dụng nhà cung cấp (Supply Credit) và tín dụng người mua (Buyer Credit).
Tín dụng Nhà cung cấp là loại hình tín dụng gián tiếp. Người bán/nhà xuất khẩu sẽ vay vốn của ngân hàng và cho người mua/nhà nhập khẩu vay lại để nhập khẩu hàng hóa/dịch vụ của người bán.
Tín dụng Người mua là loại hình tín dụng trực tiếp. Ngân hàng sẽ cho người mua/nhà nhập khẩu vay để nhập khẩu hàng hóa/dịch vụ của người bán cụ thể theo hợp đồng thương mại đã ký.
Các Tổ chức tín dụng xuất khẩu (ECA) bán bảo hiểm cho cả 2 loại hình tín dụng Nhà cung cấp và tín dụng Bgười mua. Trong cả 2 trường hợp, Người thụ hưởng bảo hiểm là bên cho vay, người trả phí bảo hiểm là Bên vay. ECA sẽ cấp bảo hiểm rủi ro chính trị và rủi ro thương mại.
Phí bảo hiểm được xác định trên cơ sở xem xét các yếu tố rủi ro về ngành hàng hóa/ dịch vụ (sector risk), rủi ro của người vay (borrower risk), rủi ro của nước người mua (borrower/buyer risk), rủi ro của nước người bảo lãnh, thời hạn vay (bao gồm cả thời gian ân hạn trả gốc)…
Đối với tín dụng Nhà cung cấp, phí bảo hiểm thường được đưa vào giá của hợp đồng thương mại. Trong trường hợp này sẽ khó bóc tách giá thực hàng hóa/dịch vụ và phí bảo hiểm. Phí bảo hiểm do ECA thu thường thấp hơn do rủi ro người vay được căn cứ vào hệ số tín nhiệm của người bán. Tuy nhiên, người bán sẽ thường thu thêm phí cho rủi ro của họ (rủi ro trả nợ ngân hàng cho vay trong khi không hoặc chưa thu được nợ từ người mua) và đưa vào giá hợp đồng, tuy nhiên không có sự minh bạch về từng cấu phần giá.
Tín dụng Người mua là loại hình thông dụng trong tín dụng xuất khẩu do minh bạch về trị giá hợp đồng thương mại. Người mua/nhà nhập khẩu sẽ trả phí bảo hiểm trực tiếp cho ECA theo hóa đơn của ECA.
Thông thường, các ECA chỉ bán bảo hiểm 1 phần (Partial Guarantee) với mức bảo hiểm tối đa là 95% trị giá gốc và lãi thường. Lý do là để ràng buộc trách nhiệm của ngân hàng cho vay/người thụ hưởng trong việc thực hiện các biện pháp đòi nợ. Trường hợp người thụ hưởng quyết định yêu cầu thanh toán theo chứng thư bảo hiểm ECA, người thụ hưởng phải chuyển nhượng toàn bộ quyền chủ nợ đối với 100% khoản nợ được yêu cầu thanh toán trong khi chỉ nhận được tối đa 95% nợ gốc và lãi thường theo hơp đồng vay. ECA sẽ được hưởng 5% nợ gốc, lãi phạt (nếu có).
Ảnh: Tàu chở than cập cảng Vĩnh Tân - Dự án Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2