Bài 1: Khuôn khổ quản lý nợ nước ngoài quốc gia của Việt Nam: đánh giá tính phù hợp trong bối cảnh mới (Phần 1/2)

02:05 PM 25/02/2020 |  Lượt xem: 350 |  In bài viết |    Đọc bài viết send email  Gửi góp ý

Về quy định của Việt Nam về quản lý nợ nước ngoài quốc gia

Theo quy định của Luật Quản lý nợ công năm 2017, 02 chỉ tiêu an toàn nợ nước ngoài của quốc gia được Quốc hội quyết định cho từng giai đoạn 05 năm gồm:

(i) Nợ nước ngoài của quốc gia so với tổng sản phẩm quốc nội; và

(ii) Nghĩa vụ trả nợ nước ngoài của quốc gia so với tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ.

Ngoài ra, Việt Nam còn xây dựng, điều hành chỉ tiêu nợ nước ngoài của doanh nghiệp và tổ chức tín dụng (TCTD) theo phương thức tự vay, tự trả thông qua 02 tiêu chí do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt hàng năm, bao gồm:

(iii) Tốc độ tăng dư nợ vay nước ngoài ngắn hạn tối đa theo phương thức tự vay, tự trả;

(iv) Hạn mức vay nước ngoài tự vay, tự trả trung, dài hạn.

Về phạm vi tính toán chỉ tiêu nợ nước ngoài quốc gia

Qua nghiên cứu, quan điểm của các tổ chức quốc tế về phạm vi của hai chỉ tiêu nợ nước ngoài quốc gia như sau:

- Về nợ nước ngoài của quốc gia: theo Hướng dẫn Thống kê Nợ nước ngoài phiên bản năm 2013 do 9 tổ chức quốc tế đồng biên soạn, nợ nước ngoài ròng của một quốc gia là tổng dư nợ hiện hành của các khoản vay theo đó bên đi vay phải trả nghĩa vụ gốc là lãi trong tương lai, và các khoản nợ này do đối tượng cư trú của một quốc gia vay từ đối tượng không cư trú (2). Nhìn chung, nợ nước ngoài của quốc gia thể hiện khả năng trả nợ (solvency) của một quốc gia và được phân theo 3 nhóm chính: (i) nợ nước ngoài của chính phủ; (ii) nợ nước ngoài được chính phủ bảo lãnh; và (iii) nợ nước ngoài của khu vực tư nhân không được chính phủ bảo lãnh.

- Về nghĩa vụ trả nợ nước ngoài của quốc gia so với xuất khẩu: nhìn chung, chỉ tiêu này được các tổ chức quốc tế định nghĩa bằng tỷ lệ thanh toán nghĩa vụ trả gốc và lãi đối với các khoản vay nước ngoài của một quốc gia so với tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ của các khoản vay nước ngoài so với xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ trong năm đó (3). Chỉ tiêu này thể hiện tính thanh khoản (liquidity) của một quốc gia.

Như vậy, phạm vi tính toán các chỉ tiêu nợ nước ngoài quốc gia của Việt Nam về cơ bản phù hợp với thông lệ của quốc tế. Với mục tiêu thống kê nợ nước ngoài của quốc gia, tiêu chí người cư trú là trọng tâm theo đó nợ nước ngoài bao gồm cả các khoản vay bằng đồng nội tệ do người nước ngoài nắm giữ (như trái phiếu Chính phủ phát hành bằng tiền đồng cho các cá nhân, tổ chức nước ngoài nắm giữ)./.

 

1) Bao gồm Ngân hàng Thanh toán Quốc tế, Ban Thư ký Khối thịnh vượng chung, Ngân hàng Trung ương Châu Âu, Cơ quan Thống kê châu Âu, IMF, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), Ban Thư ký Câu lạc bộ Paris, Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) và Ngân hàng Thế giới.

(2) Đối tượng cư trú được xác định là chủ thể có lợi ích kinh tế tập trung chủ yếu tại một quốc gia và không dựa trên quốc tịch của chủ thể đó. Chủ thể có thể là hộ gia đình, doanh nghiệp, tổ chức, cơ quan nhà nước… có địa chỉ thường trú, thực hiện các hoạt động và giao dịch kinh tế tại quốc gia có mối liên hệ mật thiết nhất với chủ thể đó.

(3) Tuy vậy, Ngân hàng Thế giới không bao gồm nghĩa vụ trả gốc của các khoản vay ngắn hạn khi tính chỉ tiêu trả nợ so với xuất khẩu với lý do phần lớn các khoản vay ngắn hạn là các khoản tín dụng xuất khẩu thường được tự động đảo nợ https://datacatalog.worldbank.org/total-debt-service-exports-goods-services-and-primary-income-1

Tài liệu tham khảo:

External debt statistics : Guide for compilers and users / Inter-Agency Task Force on Finance Statistics. – Washington, D.C. : International Monetary Fund, 2014.

Trương Hùng Long