Bài 2: Khuôn khổ quản lý nợ nước ngoài quốc gia của Việt Nam: đánh giá tính phù hợp trong bối cảnh mới (Phần 2/2)

02:20 PM 25/02/2020 |  Lượt xem: 297 |  In bài viết |    Đọc bài viết send email  Gửi góp ý

Về ngưỡng an toàn nợ nước ngoài của quốc gia giai đoạn 2016-2020:

Căn cứ Nghị quyết số 25/2016/QH14 ngày 9/11/2016 của Quốc hội về kế hoạch tài chính 05 năm quốc gia giai đoạn 2016-2020, nợ nước ngoài của quốc gia không quá 50% GDP và nghĩa vụ trả nợ nước ngoài của quốc gia dưới 25% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ. Mức trần đối với 2 chỉ tiêu này cho giai đoạn 2016-2020 được tính toán sử dụng khung phân tích bền vững nợ công và nợ nước ngoài của Ngân hàng Thế giới và IMF cho các quốc gia thu nhập thấp (LIC DSA), và được điều chỉnh để phù hợp với điều kiện đặc thù danh mục nợ của Việt Nam.

Gần đây nhất vào năm 2016, khuôn khổ đánh giá bền vững nợ đối với các quốc gia thu nhập thấp đã được cập nhật để phù hợp hơn với môi trường kinh tế và tài chính thế giới có nhiều thay đổi (1), theo đó ngưỡng khuyến nghị hiện nay cho các quốc gia với năng lực chịu nợ cao hiện như sau:

- Dư nợ nước ngoài của khu vực công (2) không quá 55% GDP khi quy về giá trị hiện tại.

- Nghĩa vụ trả nợ nước ngoài của khu vực công không quá 21% so với kim ngạch xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ và thu nhập sơ cấp.

Như vậy, các ngưỡng an toàn nợ nước ngoài của quốc gia mà Việt Nam đang áp dụng hiện không còn phù hợp với thông lệ tốt của quốc tế. Bên cạnh đó, một số yếu tố chính dẫn đến việc IMF khuyến nghị Việt Nam xem xét lại khuôn khổ quản lý trần nợ nước ngoài của quốc gia bao gồm:

- Ngưỡng nợ nước ngoài quốc gia mà Việt Nam áp dụng bao gồm cả các khoản vay của khu vực tư nhân, điều này không tương đồng với khuôn khổ LIC DSA (theo đó chỉ áp dụng trần đối với nợ nước ngoài của khu vực công).

- Mức khuyến nghị của IMF đối với chỉ tiêu dư nợ nước ngoài của khu vực công là không quá 55% GDP khi quy về giá trị hiện tại, theo đó tỷ lệ tính theo giá trị danh nghĩa của dư nợ còn cao hơn mức này. Như vậy, việc Việt Nam áp dụng mức trần nợ nước ngoài của quốc gia ở mức 50% GDP được đánh giá là là quá thận trọng.

- Đối với chỉ tiêu nghĩa vụ trả nợ nước ngoài so với xuất khẩu, trong khi phạm vi theo khuôn khổ LIC DSA chỉ bao gồm nghĩa vụ trả nợ nước ngoài đối với các khoản vay của khu vực công, cách tính của Việt Nam bao gồm cả các nghĩa vụ trả nợ ngắn hạn, trung và dài hạn của khu vực tư nhân. Theo định nghĩa của LIC DSA, hệ số trả nợ nước ngoài của khu vực công của Việt Nam tính đến hết năm 2018 theo đánh giá của IMF chỉ ở mức 1,7% xuất khẩu.

Phương án trần nợ nước ngoài trung hạn

Ngưỡng nợ

Tổng nợ nước ngoài (50% GDP)

Hệ số tổng trả nợ nước ngoài trên giá trị xuất khẩu (25%)

Hiệu quả

Nợ nước ngoài hiện ở mức 47%, nhưng có xu hướng tăng do nợ của khu vực tư ngày càng tăng.

Nhiều lần vượt trần từ năm 2016, do nợ ngắn hạn khu vực tư tăng mạnh.

Thảo luận

Việt Nam duy trì tỷ lệ nợ nước ngoài trung bình 47% trên GDP trong 3 năm qua mà không bị khủng hoảng (khả năng vay nợ cao hơn). Giá trị quy về hiện tại của ngưỡng nợ nước ngoài PPG/GDP đối với các quốc gia LIC có năng lực mạnh là 55%; với tỷ lệ danh nghĩa thậm chí cao hơn. 50 phần trăm đối với tổng nợ nước ngoài dường như quá thấp.

Ngưỡng LIC DSA 21 phần trăm chỉ bao gồm nợ PPG. Ngưỡng 25 phần trăm có thể là quá thấp cho cả nợ khu vực công và khu vực tư

Tuy vậy, Việt Nam đã trở thành quốc gia thu nhập trung bình thấp và các thành phần kinh tế, bao gồm cả Chính phủ lẫn khu vực tư nhân, đã có khả năng huy động các khoản vay nước ngoài theo điều kiện thị trường (trong khi đó tại các quốc gia có thu nhập thấp, các khoản vay nước ngoài chủ yếu là của chính phủ theo điều kiện ODA, ưu đãi, các tổ chức tư nhân gần như không có khả năng vay vốn nước ngoài). Vì vậy việc áp dụng các chỉ tiêu đánh giá và ngưỡng an toàn được khuyến nghị cho các quốc gia thu nhập thấp nêu trên là không còn phù hợp đối với Việt Nam. Thay vào đó, các tổ chức quốc tế như Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Ngân hàng Thế giới hiện đánh giá tính bền vững nợ của Việt Nam sử dụng khung đánh giá cho các quốc gia có khả năng tiếp cận vốn trên thị trường.

Một số cân nhắc về khuôn khổ quản lý nợ nước ngoài của quốc gia trong giai đoạn tới:

Một số khuyến nghị được các tổ chức quốc tế như Quỹ Tiền tệ Quốc tế đề xuất cho Việt Nam khi xem xét, cập nhật khuôn khổ quản lý nợ nước ngoài của quốc gia trong giai đoạn tới bao gồm:

- Tách bạch quản lý nợ nước ngoài khu vực công và khu vực tư nhân do bản chất hoạt động vay vốn cũng như đặc điểm rủi ro của các khu vực này rất khác biệt.

- Đề ra mức trần nợ công nước ngoài trên tổng dư nợ công.

- Thiết lập chỉ tiêu cảnh báo (thay vì các mức trần cứng) đối với chỉ tiêu trả nợ nước ngoài: ví dụ như trong trường hợp nghĩa vụ trả nợ nước ngoài (khu vực công và tư) vượt mức 15-20% GDP, tiến hành đánh giá danh mục nợ nước ngoài của khu vực công và khu vực tư, và thực hiện các biện pháp can thiệp trong trường hợp cần thiết./.

 

 

Tài liệu tham khảo:

External debt statistics : Guide for compilers and users / Inter-Agency Task Force on Finance Statistics. – Washington, D.C. : International Monetary Fund, 2014.

(2) Được định nghĩa bằng nợ của khu vực công và nợ được chính phủ bảo lãnh (PPG).

Trương Hùng Long