Bài 4: Khung Quản lý nợ nước ngoài theo phương thức tự vay, tự trả

02:47 PM 25/02/2020 |  Lượt xem: 388 |  In bài viết |    Đọc bài viết send email  Gửi góp ý

Căn cứ Nghị định 94/2018/NĐ-CP ngày 30/6/2018 của Chính phủ về nghiệp vụ quản lý nợ công và Nghị định 219/2013/NĐ-CP ngày 26/12/2013 của Chính phủ về quản lý vay, trả nợ nước ngoài của doanh nghiệp không được Chính phủ bảo lãnh, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt hàng năm 2 chỉ tiêu nợ nước ngoài theo phương thức tự vay, tự trả, bao gồm: (i) tốc độ tăng dư nợ vay ngắn hạn tối đa và (ii) hạn mức vay nước ngoài trung, dài hạn. Theo đánh giá của IMF, 2 công cụ điều hành này là không còn thực sự hiệu quả và phù hợp do:

- Các khoản vay nước ngoài theo phương thức tự vay tự trả được quản lý theo nguyên tắc ưu tiên các khoản vay được đăng ký trước, gắn liền với rủi ro hạn chế các khoản đầu tư cần thiết, cũng như hạn chế các khoản vay cho khu vực tư nhân phi tài chính và các doanh nghiệp không có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.

- Đánh đồng các khoản vay nước ngoài của khu vực tư nhân với đặc điểm rủi ro rất khác nhau, và vô hình chung có thể hạn chế việc sử dụng các công cụ nợ với rủi ro thấp (như khoản tín dụng thương mại, hoặc các khoản vay của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài từ công ty mẹ có kỳ hạn dài).

Theo kinh nghiệm quốc tế, không có nước nào áp dụng hạn mức trần chung cho chỉ tiêu nợ nước ngoài quốc gia (của khu vực công lẫn tư), cũng như không quốc gia nào đề ra mức trần đối với các khoản vay nước ngoài của khu vực tư nhân. Thay vào đó, các nước thường áp dụng công cụ quản lý đối với từng loại doanh nghiệp, tổ chức cụ thể. Ví dụ:

- In-đô-nê-xia yêu cầu các doanh nghiệp phi tài chính sử dụng công cụ phái sinh đối với các khoản vay nước ngoài ngắn hạn, áp dụng các yêu cầu về tỷ lệ thanh khoản và xếp hạng tín dụng tối thiểu.

- Ấn Độ đề ra hạn mức trần bằng USD cho các khoản vay nước ngoài trong năm đối với từng doanh nghiệp, và mỗi lĩnh vực có mức trần khác nhau. Việc vay vốn quá mức trần này cần được ngân hàng trung ương cho phép.

- Thổ Nhĩ Kỳ cấm các khoản vay bằng ngoại tệ của doanh nghiệp, tổ chức cư trú không có nguồn thu bằng ngoại tệ.

- Rwanda áp dụng biện pháp đánh thuế, theo đó nếu quy mô nghĩa vụ trả lãi đối với khoản vay cao gấp 4 lần vốn chủ sở hữu sẽ không được khấu trừ thuế (áp dụng cho mọi khoản vay và mọi doanh nghiệp). Nhiều quốc gia khác cũng áp dụng quy định tương tự với các tỷ llệ khác nhau nhằm kiểm soát tình trạng vốn mỏng.

Khuyến nghị về hạn mức hàng năm để kiểm soát nợ nước ngoài của doanh nghiệp và TCTD theo phương thức tự vay, tự trả:

- Cân nhắc xóa bỏ hạn mức trần đối với các khoản vay nước ngoài của doanh nghiệp không được Chính phủ bảo lãnh. Trên thực tế không có quốc gia nào trên thế giới áp dụng mức trần này.

- Để giám sát và hạn chế rủi ro nợ nước ngoài của khu vực tư, xem xét việc cải thiện và áp dụng các chính sách cẩn trọng vi mô và vĩ mô (1) phù hợp với từng loại rủi ro, đặc biệt đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài hoặc các TCTD, và các loại rủi ro có khả năng ảnh hưởng đến an ninh tài chính quốc gia.Lả

- Loại bỏ các khoản vay có rủi ro thấp (như tín dụng thương mại) khỏi các hạn mức trần cũng như các ngưỡng chính sách an toàn vĩ mô và vi mô.

- Để đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, sử dụng khuyến nghị chính sách trong cẩm nang hướng dẫn của IMF về tự do hóa và quản lý các dòng vốn; chỉ sử dụng các biện pháp kiểm soát luân chuyển vốn (CFM) đối với các khoản vay nước ngoài trong trường hợp xảy ra khủng hoảng (hoặc xác suất xảy ra khủng hoảng là rất cao).(2)

Theo kinh nghiệm quốc tế, trách nhiệm quản lý, giám sát các khoản vay nước ngoài theo phương thức tự vay, tự trả thường thuộc về chức năng của các ngân hàng trung ương.

 

Hình 1: Các công cụ chính sách vĩ mô và việc áp dụng

(1) Các chính sách này bao gồm cả các công cụ an toàn tài chính vi mô để đảm bảo sự lành mạnh của các tổ chức tài chính riêng lẻ cũng như các biện pháp an toàn tài chính vĩ mô (MPM) để ngăn chặn rủi ro hệ thống gia tăng

(2) Các khung chính sách cho CFM và chính sách cẩn trọng vĩ mô MPM có thể chồng chéo. CFM được thiết kế để hạn chế dòng vốn bằng cách gây ảnh hưởng đến quy mô hoặc cơ cấu của các luồng vốn này. Các biện pháp cẩn trọng vĩ mô được thiết kế để hạn chế các rủi ro hệ thống, bao gồm các rủi ro liên quan đến dòng vốn và rủi ro của hệ thống tài chính trước các cú sốc tỷ giá. Khi dòng vốn là nguồn gốc của các rủi ro tài chính hệ thống, các công cụ được sử dụng để giải quyết những rủi ro đó có thể được coi là cả CFM và MPM. (Tham khảo báo cáo của IMF để biết thêm chi tiết)

Trương Hùng Long