Các cải cách sắp tới đối với lãi suất tham chiếu LIBOR và EURIBOR

03:06 PM 08/06/2020 |  Lượt xem: 1367 |  In bài viết |    Đọc bài viết send email  Gửi góp ý

(DMEF) – Trong thời gian tới, lãi suất tham chiếu LIBOR và EURIBOR sẽ được thay thế hoặc cải cách để tiến tới việc áp dụng lãi suất chuẩn có tính minh bạch hơn cho toàn thị trường.

Lãi suất tham chiếu LIBOR

Lãi suất chuẩn LIBOR là một loại lãi suất tham chiếu ngắn hạn, được giám sát bởi Hiệp hội Ngân hàng Anh (BBA). LIBOR được sử dụng trên toàn cầu như là lãi suất tham chiếu đối với các hợp đồng tài chính và là mức chuẩn để tính toán chi phí huy động vốn và lợi suất đầu tư đối với nhiều loại sản phẩm tài chính, bao gồm cả thế chấp theo mức lãi suất có thể điều chỉnh, thẻ tín dụng, các khoản tín dụng có lãi suất thả nổi và hợp đồng hoán đổi lãi suất. Ngoài ra, biến động trong mức chênh lệch giữa LIBOR và các lãi suất chuẩn khác được xem là chỉ tiêu thể hiện thay đổi tâm lý nhà đầu tư trên thị trường tài chính toàn cầu.

Hiện LIBOR đang được cung cấp theo 7 kỳ hạn (qua đêm/giao ngay hôm sau, 1 tuần, 1 tháng, 2 tháng, 3 tháng, 6 tháng và 12 tháng) cho 5 đơn vị tiền tệ (Franc Thụy Sỹ, EUR, Bảng Anh, Yên Nhật và đô la Mỹ). LIBOR được tính toán dựa trên lãi suất chào bởi một nhóm gồm 20 ngân hàng và công bố vào khoảng 11h45 giờ London. Lãi suất do các ngân hàng này cung cấp nhằm phản ánh lãi suất các ngân hàng có thể vay vốn lẫn nhau theo điều khoản không bảo đảm trên thị trường bán buôn.

Tại sao thay thế LIBOR

Thị trường tài chính toàn cầu đã phát triển vượt bậc về quy mô và mức độ phức tạp. Tuy nhiên phương pháp luận để tính toán lãi suất LIBOR gần như không thay đổi. Ngoài ra, mối quan ngại lớn nhất là sự suy giảm rõ rệt số lượng mẫu để tính toán LIBOR kể từ sau khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Sau cuộc khủng hoảng này, ít ngân hàng báo cáo lãi suất hơn và ít giao dịch được báo cáo hơn. Thay vào đó, LIBOR phụ thuộc vào đánh giá chuyên gia dựa trên dữ liệu giao dịch và thị trường. Điều này thúc đẩy việc nghiên cứu áp dụng một lãi suất tham chiếu mới thay thế LIBOR.

Ngừng áp dụng LIBOR từ sau năm 2021

Dự kiến từ sau năm 2021, LIBOR và các lãi suất có sử dụng LIBOR để tính toán sẽ ngừng áp dụng và sẽ được thay thế bằng lãi suất khác.

Nhóm các ngân hàng sẽ tiếp tục cung cấp lãi suất LIBOR đến cuối năm 2021 để thị trường có thêm thời gian chuyển đổi sang một lãi suất chuẩn khác. Các ngân hàng và các chủ thể tham gia thị trường cần loại bỏ sự phụ thuộc vào LIBOR từ ngày này để không làm gián đoạn các hoạt động tài chính khi việc công bố LIBOR chấm dứt.

Cơ quan Giám sát Tài chính Anh (FCA) đang phối hợp cùng Ngân hàng trung ương Anh và các chủ thể tham gia thị trường để hỗ trợ quá trình chuyển đổi lãi suất LIBOR công bố cho đồng bảng Anh. Kể từ tháng 4/2017, chỉ số qua đêm đồng bảng Anh bình quân (Sterling Overnight Index Average, SONIA) được ngân hàng trung ương Anh khuyến nghị áp dụng cho làm mức lãi suất tham chiếu chuẩn thay thế cho LIBOR vì dựa trên các giao dịch thực và khó thao túng hơn.

Đối với các lãi suất tham chiếu chuẩn cho các đồng tiền khác, các lãi suất thay thế được khuyến nghị gồm có:

Quốc gia

Tên lãi suất tham chiếu thay thế

Cơ quan quản lý

Thế chấp

Chi tiết

Mỹ

Lãi suất tài trợ qua đêm có bảo đảm (SOFR)

Ngân hàng dự trữ liên bang của New York

Có bảo đảm

Lãi suất có bảo đảm liên quan đến phân khúc thị trường repo qua đêm

Anh

Trung bình chỉ số qua đêm đồng bảng Anh (SONIA)

Ngân hàng TW Anh quốc

Không bảo đảm

Lãi suất không bảo đảm liên quan đến giao dịch tiền gửi bán buôn qua đêm

Thụy Sỹ

Lãi suất qua đêm trung bình đồng đô la Thụy Sỹ  (SARON)

Ủy ban chứng khoán Thụy Sỹ

Có bảo đảm

Lãi suất có bảo đảm phản ánh tiền lãi trả trên lãi suất repo liên ngân hàng qua đêm

Nhật Bản

Lãi suất qua đêm trung bình Tokyo (TONAR)

Ngân hàng TW Nhật Bản

Không bảo đảm

Lãi suất không bảo đảm phản ánh thị trường lãi suất qua đêm

Khu vực đồng EUR

Lãi suất ngắn hạn đồng EUR
(€STR)

Ngân hàng TW châu Âu

Không bảo đảm

Lãi suất không bảo đảm liên quan đến giao dịch tiền gửi bán buôn qua đêm 

Canada

Trung bình lãi suất mua lại qua đêm Canada (CORRA)

Ngân hàng TW Canada

 

 

Úc

Lãi suất tiền mặt NHTW (AONIA)

Ngân hàng TW Úc

Không bảo đảm

Lãi suất qua đêm không bảo đảm

Hong Kong

Trung bình chỉ số qua đêm đôla HongKong (HONIA)

Cơ quan quản lý tiền tệ Hong Kong (HKMA)

 

 

Dự kiến cải cách lãi suất EURIBOR từ sau năm 2020

EURIBOR là mức lãi suất thị trường chuẩn, không bảo đảm được tính cho các kỳ hạn (1 tuần, 1 - 3 - 6 - 12 tháng). Lãi suất này được điều hành bởi Hiệp hội Thị trường Tiền tệ Châu Âu (EMMI) để phù hợp với Quy tắc chuẩn EU (BMR), EMMI đã phân loại EURIBOR là lãi suất các ngân hàng ở EU và Hiệp hội thương mại tự do Châu Âu (EFTA) có thể huy động vốn trên thị trường bán buôn không bảo đảm. EMMI cũng đang áp dụng phương pháp tính toán mới đối với lãi suất EURIBOR (hybrid methodology), chủ yếu dựa trên giao dịch thực tế và sử dụng đánh giá chuyên gia trong các trường hợp giao dịch thực tế không tồn tại.

Khác với LIBOR, phương pháp tính mới của EURIBOR đáp ứng các tiêu chuẩn của BMR và EURIBOR có thể tiếp tục được sử dụng trong các hợp đồng vay đã ký và vay mới trong thời gian tới.

Đánh giá sơ bộ về tác động của việc ngừng áp dụng LIBOR/thay đổi phương pháp tính EURIBOR đối với các khoản vay nước ngoài của Chính phủ Việt Nam

  • Ngừng áp dụng LIBOR

- Đối với các thỏa thuận/hiệp định vay đã ký kết và đang thực hiện:

Hầu hết thỏa thuận/hiệp định vay có điều kiện vay tham chiếu đến Libor chưa có quy định tình huống ngừng áp dụng Libor vĩnh viễn. Trường hợp thỏa thuận vay chưa quy định sẽ có thể phát sinh bất đồng/không chắc chắn liên quan đến việc diễn giải thỏa thuận vay. Ngoài ra, trong các trường hợp diễn giải thỏa thuận vay đã rõ ràng, việc điều chỉnh lãi suất áp dụng có thể không nhất quán với kỳ vọng của các bên bị ảnh hưởng trong thỏa thuận vay. Ví dụ, nghĩa vụ trả nợ lãi thả nổi có thể chuyển thành nghĩa vụ cố định.

- Đối với các hợp đồng cho vay lại từ nguồn vốn vay của các thỏa thuận vay đã ký kết và đang thực hiện:

Nghị định số 78/2010/NĐ-CP quy định trường hợp cho vay lại vốn vay thương mại, vay ưu đãi thì lãi suất cho vay lại bằng lãi suất vay nước ngoài. Nghị định số 97/2018/NĐ-CP quy định lãi suất cho vay lại bao gồm lãi suất Chính phủ vay nước ngoài, các khoản phí theo quy định tại thỏa thuận vay nước ngoài, phí quản lý cho vay lại và dự phòng rủi ro cho vay lại. Vì vậy, trường hợp thay đổi lãi suất tham chiếu hoặc điều chỉnh lãi suất áp dụng (từ thả nổi sang cố định), hợp đồng cho vay lại sẽ được sửa đổi bổ sung tương ứng để làm cơ sở tính toán và thu hồi nợ từ người vay lại.

- Đối với các thỏa thuận vay sẽ ký mới:

Theo khuyến nghị quốc tế, các bên tham gia thị trường nên cân nhắc liệu các thỏa thuận vay được ký kết trong tương lai có nên tham chiếu đến lãi suất khác thay thế Libor hay không (ví dụ SOFR) hoặc, nếu hợp đồng có tham chiếu đến LIBOR thì có nên đưa vào điều khoản dự phòng, ví dụ như: bổ sung điều khoản lãi suất sẽ áp dụng trong trường hợp LIBOR đồng USD ngừng sử dụng để tạo tính nhất quán trong việc xác định các điều khoản chính như sự kiện chuyển đổi lãi suất áp dụng, lãi suất thay thế và điều chỉnh lãi suất thay thế.

  • Thay đổi phương pháp tính EURIBOR

Theo tham khảo khuyến nghị từ Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB), do EURIBOR không bị ngừng áp dụng, các Thỏa thuận vay và công cụ tài chính tham chiếu đến EURIBOR không cần phải chuyển đổi sang lãi suất khác, nhưng cần bổ sung điều khoản dự phòng cho tình huống sửa đổi lãi suất tham chiếu. Điều này có thể làm giảm bất ổn trong trường hợp có sự gián đoạn trong việc công bố lãi suất EURIBOR.

Vì vậy, trong bối cảnh cải cách sắp tới với các lãi suất tham chiếu LIBOR và EURIBOR, chính phủ Việt Nam cần có các phản ứng tương ứng. Đối với các khoản vay cũ, Việt Nam cần chủ động nghiên cứu, trao đổi thống nhất với Bên cho vay việc chuyển đổi lãi suất tham chiếu trước thời điểm áp dụng các cải cách này. Đối với các khoản vay mới, Việt Nam sớm có phương án đàm phán để đưa vào thỏa thuận vay điều khoản lãi suất tham chiếu áp dụng nhằm giúp Chính phủ cũng như cơ quan sử dụng vốn vay thực hiện ổn định, nhất quán các điều kiện tài chính liên quan.

Tham khảo từ https://www.fca.org.uk/markets/libor và Morgan Stanley Research.