Trong báo cáo tháng 2 năm 2020, Ngân hàng Thế giới nhận định tác động ngắn hạn của dịch bệnh do Covid-19 đối với nền kinh tế Việt Nam có thể sẽ rất lớn, lên đến 6-10% sản lượng hàng tháng, nhưng sẽ chỉ trong thời gian ngắn nếu dịch nhanh chóng được ngăn chặn. Mặc dù các biện pháp gần đây của Chính phủ nhằm hạn chế việc đi lại của người dân, hàng hóa và dịch vụ giữa Việt Nam và Trung Quốc sẽ giúp ngăn chặn dịch bệnh lây lan sang Việt Nam, nhưng những biện pháp này sẽ làm phát sinh các chi phí kinh tế. Các ngành du lịch và hàng điện tử bị ảnh hưởng nhiều nhất. Chi phí trực tiếp để ngăn chặn dịch bệnh vẫn còn tương đối thấp nhưng có thể tăng nhanh nếu dịch bệnh lan rộng ở Việt Nam. Bài học kinh nghiệm từ đại dịch gần đây cho thấy mặc dù các chi phí có thể lớn, nhưng nền kinh tế có xu hướng phục hồi nhanh chóng sau khi dịch bệnh được ngăn chặn.
Ngân hàng Thế giới ghi nhận Chính phủ Việt Nam đã hành động nhanh chóng trước thông báo về sự bùng phát của Covid-19 tại Trung Quốc và đã thực hiện một số biện phòng ngừa hiệu quả để ngăn chặn dịch bùng phát đến biên giới. Tuy vậy, tổ chức này cho biết tác động kinh tế của dịch bệnh do Covid-19 vẫn còn chưa rõ ràng. Mức độ tác động của nCoV đến nền kinh tế Việt Nam sẽ phụ thuộc vào thời gian và mức độ nghiêm trọng của đợt bùng phát cũng như phản ứng chính sách của Chính phủ. Giống như các lần dịch bệnh trước đây, mức độ tác động cũng sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều từ các hành vi ứng phó của hộ gia đình và doanh nghiệp, mà có thể làm tăng những tác động kinh tế ngắn hạn.
Các chi phí kinh tế liên quan đến dịch bệnh do Covid-19 được phân thành hai nhóm. Thứ nhất là những chi phí của các biện pháp phòng ngừa do Chính phủ Việt Nam thực hiện nhằm hạn chế việc đi lại của người dân, hàng hóa và dịch vụ giữa Việt Nam và Trung Quốc. Thứ hai là những chi phí liên quan đến việc quản lý dịch bệnh ở trong nước và các biện pháp liên quan để ngăn chặn dịch.
1. Chi phí liên quan đến các biện pháp ngăn chặn những tác động truyền nhiễm từ Trung Quốc.
Sự suy giảm ở Trung Quốc do dịch virus corona dự kiến sẽ có tác động nhỏ đến nền kinh tế Việt Nam. Do Trung Quốc mang đến khoảng một phần ba doanh thu từ du lịch (Hình 1) và gần một phần tư kim ngạch thương mại của Việt Nam (Bảng 1), lệnh cấm đối với tất cả du khách đến từ nước ngoài, trong đó có Trung Quốc, và việc dừng một số tuyến giao thông bằng đường hàng không sẽ có những ảnh hưởng lớn hơn và vượt lên trên tác động trực tiếp của sự suy giảm trong nền kinh tế Trung Quốc.
Bảng 1: Tỷ trọng kim ngạch XNK của Trung Quốc
trong thương mại của Việt Nam (%)
Hình 1: 1/3 số lượng khách du lịch
nước ngoài đến Việt nam từ Trung Quốc
Tác động tiêu cực trực tiếp và ngay lập tức nhất là đối với du lịch, ngành mang lại doanh thu khoảng 30 tỷ đô la mỗi năm cho Việt Nam. Ngoài du lịch, hoạt động mua bán hàng hóa cũng sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực do hành lang giao thông giữa Trung Quốc và Việt Nam bị đóng (tạm thời).Số liệu thống kê thương mại chính thức của Tổng cục Hải quan cho thấy sự suy giảm trong thương mại song phương giữa Trung Quốc và Việt Nam sẽ tập trung vào một số sản phẩm, chủ yếu là hàng điện tử, và tiếp theo là hàng may mặc và thực phẩm với mức độ thấp hơn.
Việc duy trì những quy định hạn chế việc đi lại cũng có thể ảnh hưởng đến dòng vốn FDI giữa hai nước. Vào cuối năm 2019, tổng vốn FDI đã cam kết của Trung Quốc ước tính khoảng 16,3 tỷ đô la Mỹ, chiếm 4,6% tổng vốn FDI tích lũy cho Việt Nam (20%). Các nhà thầu Trung Quốc cũng tham gia nhiều vào hoạt động xây lắp trong một số dự án cơ sở hạ tầng quan trọng tại Việt Nam, chủ yếu trong lĩnh vực năng lượng và giao thông. Lệnh cấm đi lại có thể làm giảm hoạt động của các công ty này nếu họ thuê nhân viên người Trung Quốc và những người này có thể không quay lại được Việt Nam sau kỳ nghỉ Tết. Ngược lại, trong dài hạn, một số nhà đầu tư nước ngoài có thể được khuyến khích chuyển hoạt động sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam - củng cố xu hướng đã thấy trong vài năm qua, để tránh sự gián đoạn trong tương lai vì Trung Quốc là trung tâm của một số dịch bệnh trong vài năm qua.
nếu bao gồm cả Hồng Kông và Đài Loan Trung Quốc
Bảng 2: Thương mại song phương giữa Việt Nam và Trung Quốc,
10 sản phẩm hàng đầu năm 2019
2. Các chi phí liên quan đến công tác quản lý dịch bệnh ở trong nước
Có thể xem xét 2 loại chi phí kinh tế ở trong nước. Loại chi phí thứ nhất liên quan đến việc điều trị bệnh nhân mắc bệnh, còn loại thứ hai bao gồm các biện pháp phòng ngừa để giảm nguy cơ lây nhiễm trong nước.
Đối với loại thứ nhất, chi phí có vẻ không nhiều vì theo báo cáo ở Việt Nam chỉ có một số ít ca bệnh, nhưng con số này có thể tăng nhanh nếu các ca bệnh tăng lên theo thời gian.
Đối với loại thứ hai, các chi phí kinh tế liên quan đến những biện pháp phòng ngừa trong nước có thể rất đa dạng. Những hoạt động y tế công cộng giai đoạn đầu để ngăn chặn hoặc hạn chế dịch bệnh (như truy tìm dấu vết, thực hiện kiểm dịch và cách ly các ca bị lây nhiễm) đòi hỏi rất nhiều chi phí nhân lực và nhân sự. Những thay đổi hành vi do nỗi sợ hãi làm số người tham gia lực lượng lao động giảm mạnh hơn. Các biện pháp làm giảm sự tiếp xúc giữa người với người, bao gồm giữ khoảng cách, cách ly và đóng cửa trường học, có chi phí lớn nhất vì chúng gây ra sự gián đoạn kinh tế lớn nhất. Trong đợt dịch SARS, tác động kinh tế chủ yếu được truyền qua các phản ứng hành vi đối với dịch bệnh làm giảm tổng cầu và gián đoạn nguồn cung.
Ngân hàng Thế giới đưa ra khuyến nghị để giảm thiểu các chi phí này, Chính phủ Việt Nam cần thực hiện một số hành động. Phản ứng của Chính phủ trước tình hình dịch bệnh đã rất kịp thời và xuất phát từ thực tiễn. Chính phủ đã đẩy mạnh việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa bằng nguồn ngân sách từ các quỹ bảo hiểm y tế. Về lâu dài, Việt Nam cần hành động để tăng cường khả năng sẵn sàng ứng phó với dịch bệnh ở cấp quốc gia, mà hiện đang có nhiều điểm yếu quan trọng như: (i) khả năng lập kế hoạch và phân bổ nguồn lực tài chính hiệu quả còn hạn chế; (ii) khả năng giám sát dịch bệnh theo khu vực địa lý còn chưa được tích hợp; (iii) thông tin về các hoạt động phối hợp, nguồn tài trợ và kết quả chưa đầy đủ; (iv) chưa xem xét đến các ngành khác như nông nghiệp và du lịch; và cơ quan trung ương chưa hiểu biết rõ về khối lượng công việc và ngân sách thực tế tại các đơn vị trực thuộc Ngoài ra, Ngân hàng Thế giới cũng chó rằng chính sách khuyến khích sự tham gia của khu vực tư nhân, cả về tài chính và triển khai thực hiện có vai trờ rất quan trọng./.