Đại dịch Covid 19 đã khiến cho nợ công tăng vọt trên toàn thế giới

02:39 PM 08/06/2020 |  Lượt xem: 4293 |  In bài viết |    Đọc bài viết send email  Gửi góp ý

Để ứng phó với đại dịch Covid 19, các chương trình cứu trợ ngân hàng và kích thích tài khóa đã được thực hiện trên toàn Thế giới, khiến tỷ lệ nợ trên GDP tăng đột biến, đặc biệt là tại các nước phát triển. Điều này đã đặt ra một vấn đề: Nợ công tăng cao sẽ ảnh hưởng như thế nào đến tăng trưởng kinh tế?

Đây không phải là lần đầu tiên Thế giới ghi nhận sự tăng vọt tỷ lệ nợ công trên GDP. Lần gần đây nhất đó là sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2007-2009, các nhà kinh tế đã nghiên cứu mối quan hệ giữa nợ công tăng cao đột biến và tăng trường kinh tế. Năm 2010, hai nhà kinh tế học của Harvard, Carmen Reinhart và Kenneth Rogoff, đã đưa ra một câu trả lời khá thuyết phục và chi tiết. Nghiên cứu của họ được thực hiện bằng cách thống kê và phân tích dữ liệu của 44 quốc gia trong hai thế kỷ, thông qua đó họ thấy rằng tăng trưởng kinh tế giảm khoảng một nửa khi nợ công vượt quá 90% GDP. Kết quả của họ khi đó đã được các bộ trưởng tài chính ở một số quốc gia trích dẫn để giúp chứng minh các chính sách thắt lưng buộc bụng sau năm 2010.

Một thập kỷ từ sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2009, với mức nợ trên GDP một lần nữa nhanh chóng tăng trở lại do đại dịch Covid-19, tác động của nó đối với tăng trưởng kinh tế sẽ là sự quan tâm của nhiều quốc gia, các nhà lãnh đạo và các nhà kinh tế trên toàn thế giới.

Dự báo tỷ lệ nợ công/GDP của Anh và Mỹ sau đại dịch Covid 19

Nhiều nhà sử học cho rằng các nhà hoạch định chính sách không nên quá lo lắng về mức nợ cao ở một số nền kinh tế phát triển. Theo số liệu thống kê của Ngân hàng Anh và Cơ quan phân tích số liệu quốc gia Anh, tỷ lệ nợ trên GDP của Anh, đã tăng từ 84% vào tháng 3 năm ngoái lên hơn 100% trong năm tài chính 2020, cao hơn tiêu chuẩn nhiều, nhưng không phải là chưa từng xảy ra trong lịch sử. Sau cuộc chiến Napoleonic, năm 1815, nợ quốc gia của Anh đã tăng tới gần 200% GDP từ 25% vào năm 1914. Sau chiến tranh thế giới thứ hai, tỷ lệ nợ/GDP của Anh chạm ngưỡng 259%, và của Mỹ 112%. Tuy nhiên sau những cuộc suy thoái ngắn sau chiến tranh, cả hai nước đều có thời kỳ tăng trưởng mạnh mẽ và gánh nặng nợ của họ cũng giảm dần theo thời gian. Tỷ lệ nợ trên GDP của Mỹ đã giảm xuống mức thấp nhất là 31% vào đầu những năm 1980. Anh rơi xuống khoảng 25% vào năm 1990.

Bên cạnh đó, Tổ chức tiền tệ Thế giới (IMF) cho rằng, tỉ lệ nơ công/GDP là một chỉ số quan trong, nhưng quan trọng hơn đó là tác động của nó đối với tăng trưởng kinh tế. Các nghiên cứu của IMF nhận thấy rằng các quốc gia có tỷ lệ nợ công tăng lên sẽ tăng trưởng chậm hơn so với những quốc gia có tỷ lệ nợ công giảm ngay cả khi dư nợ hiện tại của họ rất cao. Điều này có thể là do thâm hụt ngân sách (không bao gồm các khoản thanh toán lãi) khiến nền kinh tế dễ bị tổn thương và rơi vào tình trạng khủng hoảng tín dụng, đặc biệt trong thời kỳ kinh tế khó khăn.

Làm thế nào các nước có thể giảm tỷ lệ nợ trên GDP trong dài hạn và có bước tăng trưởng ngắn hạn sau đó, như Mỹ và Anh trong quá khứ?  Nghiên cứu của IMF chỉ ra rằng khoảng 70% mức giảm tỷ lệ nợ trên GDP của Anh giữa năm 1946 và 2008 là do lạm phát. Đây là kết quả của việc thực hiện điều tiết, sử dụng các công cụ như kiểm soát vốn và phân bổ tín dụng, buộc người dân cho chính phủ vay với lãi suất thấp, trong khi đó lạm phát làm giảm giá trị thực của nợ công . Nhưng các chính sách này có vẻ không khả thi đối với các nhà hoạch định chính sách hiện đại. Sự phát triển công nghệ, như sự phổ biến của tiền điện tử, giúp các nhà đầu tư dễ dàng hơn trong việc hạn chế luân chuyển vốn và cho vay.

Trong dài hạn, các chính phủ có thể dựa vào tăng trưởng kinh tế, hay nói chính xác hơn là tăng trưởng vượt quá lãi suất để giảm tỷ lệ nợ trên GDP. Điều đó sẽ tương tự như những gì đã xảy ra ở Anh sau cuộc chiến Napoleonic. Anh đã không thổi phồng các khoản nợ của mình hoặc điều hành thặng dư ngân sách để trả chúng (phần lớn khoản nợ được phát hành dưới dạng trái phiếu vĩnh viễn và chỉ có thể được trả vào năm 2015). Thay vào đó, hiệu ứng gộp của tăng trưởng kinh tế  sẽ làm giảm gánh nặng nợ, tạo điều kiện cho tăng trưởng nền kinh tế sau các cuộc khủng hoảng.

Hoàng Phương Hà