Kinh nghiệm phát hành trái phiếu Samurai vào thị trường Nhật Bản

06:05 PM 03/06/2019 |  Lượt xem: 1092 |  In bài viết |    Đọc bài viết send email  Gửi góp ý

Kể từ khi khủng hoảng nợ công xảy ra tại các nước Châu Âu, Nhật Bản được coi là thị trường cung ứng vốn thay thế cho các quốc gia mới nổi. Để thu hút và hỗ trợ các nhà phát hành trong khu vực Asean, Ngân hàng hợp tác quốc tế (JBIC) giới thiệu chương trình khuyến khích tiếp cận thị trường (Market Access Support Facility) nhằm hỗ trợ các quốc gia đang phát triển trong khu vực huy động vốn từ thị trường Nhật Bản. Tiếp sau đó, theo đề nghị của một số chính phủ các nước, JBIC đã xây dựng chương trình hỗ trợ mới với tên gọi là “Bảo lãnh và tiếp cận thị trường vốn Tokyo” (GATE) nhằm cấp bảo lãnh cho chính phủ các nước, mở rộng đối với các quốc gia khác không chỉ trong khu vực ASEAN để thực hiện phát hành trái phiếu trên thị trường Nhật Bản. Việt Nam cũng được JBIC giới thiệu và có thể xem xét tham gia chương trình này.

Phillipines, Malaysia, Indonesia là một số quốc gia trong khu vực đã phát hành trái phiếu Samurai

Đặc điểm của trái phiếu Samurai là do các quốc gia, tổ chức nước ngoài phát hành bằng đồng Yên trên thị trường Nhật Bản. Đối với trường hợp của Việt Nam, hình thức phát hành trái phiếu Chính phủ trên thị trường Nhật (trái phiếu Samurai) có các ưu điểm là giúp nhà phát hành huy động được một khoản vốn bằng đồng Yên Nhật thay vì phải đi vay từ các ngân hàng thương mại. Đây là một kênh huy động ngoại tệ có thể giúp quốc gia phát hành đa dạng hóa kênh huy động vốn, tránh bị lệ thuộc quá lớn vào thị trường Mỹ hoặc thị trường Châu Âu, nhất là trong trường hợp các thị trường này có nhiều biến động

Khối lượng trái phiếu Samurai phát hành giai đoạn 2007-2018

Việc phát hành trái phiếu Samura giúp Việt Nam có thể tiếp cận với các nhà đầu tư Nhật Bản do trái phiếu này có sự bảo lãnh của JBIC, đồng thời tận dụng được lãi suất đồng Yên ở mức thấp. Sau khi phát hành, nhà phát hành có thể chuyển đổi nguồn tiền huy động được sang các ngoại tệ khác tùy thuộc nhu cầu, hoặc được sử dụng để tài trợ cho các hoạt động nhập khẩu từ thị trường Nhật. Tương tự như các hình thức phát hành trái phiếu ra thị trường vốn quốc tế, Chính phủ có thể chủ động sử dụng nguồn tiền thu được từ phát hành trái phiếu mà không bị các nhà đầu tư ràng buộc về mục đích sử dụng. Số lượng và giá trị phát hành trái phiếu samurai từ năm 1984 tới nay (biểu đồ dưới đây).

Tuy nhiên, bên cạnh đó kênh huy động vốn này cũng có nhược điểm là tiềm tàng rủi ro tỷ giá do đồng Yên là ngoại tệ biến động mạnh. Ngoài ra, các nhà đầu tư Nhật Bản bị hạn chế đầu tư vào các trái phiếu thuộc nhóm Đầu cơ. Với quy định này, các quốc gia thuộc thị trường mới nổi, hoặc các quốc gia với xếp hạng tín nhiệm ở mức Đầu cơ không thể không thể tiếp cận vay vốn trực tiếp với các nhà đầu tư Nhật Bản. Do vậy, cần thiết phải thông qua bảo lãnh của JBIC hoặc một tổ chức tài chính có mức xếp hạng tín nhiệm cao (thường từ A trở lên). Vì vậy, JBIC đã cung cấp dịch vụ bảo lãnh để các quốc gia có mức xếp hạng tín nhiệm thấp có thể thực hiện phát hành trái phiếu Samurai. Nhà phát hành sẽ phải tuân thủ yêu cầu của JBIC với vai trò là Nhà bảo lãnh. Phí bảo lãnh trả cho JBIC tương đối cao và mất thêm thời gian đàm phán, thương lượng với JBIC về điều kiện bảo lãnh, đặc biệt là mức phí bảo lãnh phát hành.

Việt Nam hiện đã trở thành nước có thu nhập trung bình thấp, sẽ kết thúc vay vốn ODA, phải chuyển dần sang vay ưu đãi, vay thương mại theo điều kiện thị trường. Để đảm bảo nguồn vốn cho phát triển kinh tế - xã hội cần đa dạng hóa công cụ huy động vốn. Vì vậy, việc nghiên cứu kinh nghiệm các nước trong tiếp cận thị trường vốn quốc tế, thị trường khu vực là cần thiết và có ý nghĩa thiết thực

Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng tiếp công ty Chứng khoán SMBC Nikko tháng 1/2015. Công ty này mong muốn sẽ là đầu mối giúp Việt Nam phát triển thị trường Trái phiếu Chính phủ tại thị trường Nhật Bản

Kinh nghiệm rút ra từ việc nghiên cứu vai trò của các công ty chứng khoán đối với kênh phát hành trái phiếu Samurai vào thị trường Nhật Bản như sau:

- Do đặc thù của hình thức phát hành trái phiếu Samurai được JBIC bảo lãnh, các công ty chứng khoán với vai trò là tư vấn giao dịch cho bên phát hành có trách nhiệm tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình thương thảo và trao đổi giữa đơn vị phát hành và JBIC về điều khoản bảo lãnh cũng như các vấn đề khác.

- Hầu hết tất cả các nhà đầu tư vào trái phiếu Samurai đều tham gia vào thị trường trái phiếu Samurai được JBIC bảo lãnh. Do vậy, công ty chứng khoán với sự hiện diện tốt hơn trên thị trường trái phiếu Samurai sẽ có những am hiểu sâu và nhận định chính xác hơn về nhu cầu của các nhà đầu tư tiềm năng đối với sản phẩm trái phiếu Samurai được JBIC bảo lãnh.

- Do thị trường thứ cấp đối với sản phẩm trái phiếu Samurai chưa thật sự sôi động, sự thành công của các giao dịch này sẽ phụ thuộc rất nhiều vào khả năng công ty chứng khoán nắm bắt và đánh giá nhu cầu của các nhà đầu tư.

- Thực tế phát hành cũng như tần suất tham gia các giao dịch trái phiếu Samurai sẽ là yếu tố quan trọng nhất để đánh giá năng lực của các công ty chứng khoán do việc tham gia thường xuyên hơn vào các giao dịch trái phiếu Samurai sẽ giúp các công ty chứng khoán cập nhật quan điểm của các nhà đầu tư.

- Song song với việc tham gia vào các giao dịch phát hành trái phiếu Samurai, việc cập nhật trao đổi thường xuyên với các nhà đầu tư cũng là cơ hội giúp các công ty chứng khoán giới thiệu các đơn vị phát hành mới tới nhà đầu tư./.

Hồ Việt Hương