Rủi ro Đảo nợ/Tái cấp vốn trong quản lý nợ công

02:21 PM 03/08/2019 |  Lượt xem: 1106 |  In bài viết |    Đọc bài viết send email  Gửi góp ý

Chỉ tiêu thời gian đáo hạn bình quân (ATM) thường được sử dụng để phản ánh thời gian đến hạn trả nợ của danh mục nợ, theo đó nghĩa vụ trả nợ được tính bằng giá trị danh nghĩa (3). Thời gian đáo hạn của trái phiếu được đo lường bằng khoảng thời gian từ thời điểm đánh giá mức độ rủi ro đến thời điểm nghĩa vụ trả nợ gốc đến hạn thanh toán. Ví dụ, đối với trái phiếu thanh toán một lần (bullet bond), thời gian đáo hạn của trái phiếu được tính bằng thời gian còn lại cho đến ngày phải trả nợ gốc. Đối với trái phiếu trả gốc nhiều lần (amortizing bond), thời gian đáo hạn là bình quân gia quyền của tất cả các khoảng thời gian còn lại cho đến thời điểm khoản trả gốc khấu trừ dần đến hạn thanh toán, trong đó trọng số được tính theo quy mô tương ứng của mỗi khoản trả nợ gốc. Nói cách khác, ATM là khoảng thời gian trung bình mà một đơn vị (như bằng tiền đô la) của khoản nợ gốc được thanh toán(4).

 

 

 

Tuy ATM được sử dụng rộng rãi, chỉ số này phản ánh rủi ro tái cấp vốn tương đối thô. Điểm mạnh của chỉ tiêu này là tính đơn giản, dễ hiểu, theo dõi và hậu kiểm. Nhược điểm của chỉ tiêu này, do bản chất là chỉ số bình quân, là không thể hiện các rủi ro nghĩa vụ trả nợ gốc tập trung cao tại một thời điểm khiến cho chỉ tiêu này nếu chỉ sử dụng đơn lẻ sẽ không thể hiện đầy đủ rủi ro tái cấp vốn (trừ khi áp dụng giả định hồ sơ đáo hạn nợ bằng phẳng qua các năm). Nhận thức được nhược điểm này, các nhà quản lý nợ thường xem xét chỉ tiêu này như là một chỉ tiêu tổng hợp và thường được sử dụng cùng với các chỉ tiêu khác mô tả cơ cấu đáo hạn của danh mục nợ (tức là hồ sơ đáo hạn). Ngoài ra, chỉ tiêu ATM cần được xem xét trong bối cảnh cơ cấu rủi ro nợ tổng thể của một quốc gia, trong khi các quyết sách về việc thay đổi cơ cấu danh mục nợ cần được dựa trên những phân tích này cũng như quan điểm của các nhà quản lý về điều kiện huy động vốn trong tương lai (6)

Rủi ro đảo nợ/tái cấp vốn phụ thuộc vào rủi ro thanh khoản, và mối quan hệ này thường được thể hiện khi định lượng rủi ro. Ví dụ khi một quốc gia có thanh khoản thị trường cao và khẩu vị đầu tư của thị trường tốt, khả năng là hầu hết các điểm đáo hạn trên đường cong lợi suất của nước đó có thể được tái cấp vốn mà không gặp khó khăn (kể cả các khoản vay với kỳ hạn ngắn) (7). Tuy nhiên, bất kể tính thanh khoản của thị trường, nếu các nhà đầu tư không muốn nắm giữ rủi ro công cụ nợ của một nước, họ thường muốn giao dịch các công cụ nợ với kỳ hạn ngắn và nhiều khả năng sẽ đòi hỏi mức phí bù rủi ro (risk premium) cao hơn. Trong những trường hợp này, bất kỳ thông tin nào bị coi là tiêu cực liên quan đến nước đó sẽ khiến các nhà tham gia thị trường ngừng cung cấp vốn ở mọi mức lãi suất.

Đối với các nhà quản lý nợ, việc thiết lập các mục tiêu nhằm đạt được hồ sơ đáo hạn bằng phẳng là thông lệ. Việc tính toán các mục tiêu như vậy cần được chú ý đặc biệt, ví dụ như để đạt được mục tiêu khối lượng tối đa nghĩa vụ trả nợ gốc được đáo hạn hàng năm có thể khiến nhà quản lý nợ lỡ các cơ hội phát hành và thanh toán nợ trên thị trường nợ, và có thể dẫn đến việc thay đổi đột ngột nhu cầu huy động vốn vay.

Tuy vậy, thông lệ tốt là các nhà quản lý nợ nên xem xét khả năng đề ra những mức trần về khối lượng nợ được cho phép đến hạn trong vòng 12 tháng tới (8). Chỉ tiêu này có thể được tính theo tỷ lệ so với tổng dư nợ, hoặc một mức trần quy theo giá trị tiền tệ phụ thuộc vào tình hình thanh khoản của thị trường. Bên cạnh đó, việc đề ra các hạn mức nợ đáo hạn trong từng Quý cũng là thông lệ tốt để đảm bảo các khoản đáo hạn không tập trung cao vào các thời điểm nhất định trong năm. Bằng cách này sẽ kiềm chế được rủi ro tái cấp vốn trong ngắn hạn. Tuy nhiên những mục tiêu này đòi hòi quá trình phân tích cặn kẽ, lên kế hoạch tốt, và việc giám sát thường xuyên./.

Ghi chú:

(1) Ngoài ra, rủi ro tái cấp vốn có thể bị trầm trọng hóa khi ý định của chính phủ để đảo các khoản nợ đến hạn với quy mô lớn bị coi là không rõ ràng (đồng nghĩa với nghiệp vụ LMO không rõ ràng), hoặc/và khi các chiến lược quản lý nợ không được công khai minh bạch. Càng gần đến thời điểm đáo hạn của khoản vay, mức chênh lệch do rủi ro tái cấp vốn càng trở nên liên quan.

(2) Rủi ro này lớn hơn khi chính phủ phụ thuộc vào các khoản vay nước ngoài, hoặc khi các chủ nợ trong nước không được coi là các chủ nợ thứ yếu (subordinated creditor).

(3) Một cụm từ khác để thể hiện chỉ tiêu này là vòng đời bình quân gia quyền (WAL). Các chỉ tiêu đo lường rủi ro đảo nợ/tái cấp vốn khác bao gồm vòng đời đáo hạn bình quân (ALM), bao gồm các khoản thanh toán nghĩa vụ lãi và gốc (như được Brasil áp dụng), và thời gian thay đổi lãi suất bình quân. ALM được coi là phản ánh rủi ro tái cấp vốn chính xác hơn, đặc biệt đối với các quốc gia có công cụ nợ với lãi suất cao.

(4)Tuy Hướng dẫn Nợ khu vực Công (2011) đưa ra định nghĩa ATM là “thời gian bình quân gia quyền của tất cả các khoản trả nợ gốc của danh mục nợ”, khi các khoản trả nợ lãi được thêm vào công thực tính, việc so sánh quốc tế trở nên khó khăn.

(5) Bài viết này không thảo luận các vấn đề liên quan đến ngưỡng (hay mức chuẩn) của ATM cũng như các chỉ tiêu đo lường rủi ro khác trong phân tích này.

(6) Chỉ tiêu ATM đôi khi không được coi là phản ánh đầy đủ rủi ro tái cấp vốn vì nó không lượng hóa rủi ro theo giá trị tiền tệ. Ngoài ra, phân tích về ATM có thể được tham khảo theo đường link http://wriecke.net/average-time-tomaturity-vs-duration/

(7)Tuy nhiên, có thể có những nền kinh tế mới nổi có tính thanh khoản tương đối tốt, nhưng phải đối mặt với rủi ro tái cấp vốn ở mức cao do biến động thị trường, hoặc thị trường trải qua những giai đoạn đóng cửa.

(8)Trong bối cảnh này, một số cơ quan quản lý nợ sử dụng “khối lượng nợ đáo hạn trong vòng 12 tháng” hoặc “khối lượng nợ đáo hạn trong vòng 12 tháng và toàn bộ các khoản vay với lãi suất thả nổi” (hoặc theo tỷ lệ % của dư nợ) là những chỉ tiêu đo lường rủi ro tái cấp vốn một cách thô.

Hồ Việt Hương