Hình thức hợp tác công tư (PPP) là một trong những hình thức đầu tư đã được thực hiện trong thời gian qua và đã khẳng định được tầm quan trọng đặc biệt trong việc thu hút nguồn vốn tư nhân để xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Tuy nhiên, rủi ro đối với các dự án theo hình thức PPP đã và đang là những vấn đề cần được xem xét để thu hút các nhà đầu tư và phát huy hiệu quả của hình thức đầu tư này.
Hợp tác công tư (PPP) theo định nghĩa của Ngân hàng Thế giới (WB) là các hợp đồng giữa một đơn vị tư nhân và một đơn vị chính phủ trong đó kêu gọi đối tác tư nhân cung cấp dịch vụ mong muốn và đưa ra giả định về những rủi ro liên quan.Thông qua hợp tác PPP, giảm bớt gánh nặng hành chính và tài chính cho Chính phủ khi cung cấp dịch vụ. Tuy nhiên, Chính phủ vẫn giữ vai trò quan trọng trong điều tiết và giám sát kết quả thực hiện của đối tác tư nhân. Qua đó ta có thể thấy quan hệ đối tác công tư là sự thỏa thuận giữa khu vực công và khu vực tư nhân, trên cơ sở hợp đồng dự án giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án để xây dựng, cải tạo, vận hành, kinh doanh, quản lý công trình hạ tầng, cung cấp dịch vụ công.
Yếu tố chính của đối tác công tư là sự chuyển giao đầu tư, rủi ro, trách nhiệm và lợi ích từ các đối tác khu vực công cho các đối tác khu vực tư nhân. Do vậy, quản lý rủi ro đối với các dự án PPP là vấn đề quan trọng cần được xem xét để hình thức đầu tư này phát huy hiệu quả tốt nhất.
Phân loại rủi ro trong các dự án theo hình thức PPP thường được căn cứ theo nguồn phát sinh rủi ro và phân loại thành hai nhóm chính: rủi ro ngoại sinh (hay còn được xác định là rủi ro bên ngoài dự án/ rủi ro chung trong hình thức PPP) và rủi ro nội sinh (hay còn được xác định là rủi ro bên trong dự án)
Rủi ro nội sinh bao gồm (i) Rủi ro trong phát triển dự án; (ii) Rủi ro trong hoàn thành dự án; (iii) Rủi ro trong quá trình vận hành dự án và (iv) Rủi ro trong điều phối.
Rủi ro ngoại sinh bao gồm: (i) Rủi ro về chính sách; (ii) Rủi ro về pháp luật; (iii) Rủi ro kinh tế tài chính và (iv) Rủi ro bất khả kháng.
Mức độ rủi ro trong các giai đoạn của dự án
Một dự án đầu tư PPP gặp rất nhiều rủi ro trong quá trình hình thành, triển khai và vận hành. Các rủi ro của dự án PPP khác nhau tùy thuộc vào quốc gia nơi dự án được thực hiện, bản chất của dự án, tài sản và dịch vụ liên quan. Tuy nhiên, một số rủi ro là phổ biến đối với nhiều loại dự án PPP. Chúng thường được xếp thành các nhóm rủi ro, thường là rủi ro liên quan đến một chức năng, cụ thể như xây dựng, vận hành, hoặc thu xếp vốn, hoặc với một giai đoạn cụ thể như chấm dứt hợp đồng. Những rủi ro chủ yếu của các dự án PPP được phân loại cụ thể theo từng giai đoạn của dự án và rủi ro có thể xảy ra trong bất kỳ giai đoạn nào của dự án (hay trong chu kỳ dự án).
Bảng 1: Rủi ro của các dự án PPP phân theo các giai đoạn của dự án
Giai đoạn phát triển dự án
|
Giai đoạn xây dựng
|
Giai đoạn vận hành
|
Giai đoạn chuyển giao
|
- Rủi ro trước đầu tư:
+ Rủi ro mặt bằng
+ Đền bù/giải phóng mặt bằng
+ Tình trạng mặt bằng
+ Chuẩn bị mặt bằng
+ Rủi ro thiết kế
|
- Rủi ro xây dựng
+ Đội chi phí
+ Chậm tiến độ
+ Không đảm bảo tiêu chí hoạt động
|
- Rủi ro vận hành
+ Đội chi phí vận hành
+ Chậm hoặc gián đoạn trong hoạt động
+ Chất lượng dịch vụ thấp
- Rủi ro doanh thu
+ Thay đổi về thuế
- Rủi ro nhu cầu/sử dụng
|
- Rủi ro dịch vụ tài sản
|
Chu kỳ của dự án
|
- Rủi ro tài chính
+ Lãi suất tăng
+ Lạm phát
+ Tỷ giá
+ Rủi ro dịch vụ tín dụng
|
- Rủi ro ngoại lai bất khả kháng
+ Rủi ro quản lý/chính trị
+ Thay đổi về luật pháp
+ Can thiệp chính trị
|
Có thể thấy rằng, một dự án PPP muốn thực hiện thành công từ khâu phát triển dự án đến khi chuyển giao sẽ phải đối diện với rất nhiều rủi ro. Do đó, để phát huy hiệu quả hình thức đầu tư này, cũng như thu hút các nhà đầu tư tham gia thì chúng ra phải có cơ chế chia sẻ rủi ro giữa khu vực Nhà nước và khu vực tư nhân. Chia sẻ rủi ro của các Dự án PPP đã và đang là vấn đề then chốt cần được thực hiện để thu hút đầu tư PPP.