Rủi ro lãi suất đối với danh mục nợ công (phần 1)

02:32 PM 03/08/2019 |  Lượt xem: 1126 |  In bài viết |    Đọc bài viết send email  Gửi góp ý

Khái niệm thời gian điều chỉnh lãi suất bình quân (ATR) được rất nhiều nhà quản lý nợ sử dụng để đánh giá rủi ro lãi suất (1). Trên thực tế, tuy nhiên, nhiều nhà quản lý nợ sử dụng một số chỉ tiêu đo lường như tỷ lệ của danh mục nợ (theo giá trị danh nghĩa hoặc giá trị hiện tại ròng so với GDP) đáo hạn trong một khoảng thời gian hoặc các giai đoạn khác nhau , mặc dù chỉ tiêu này về bản chất liên quan mật thiết hơn với rủi ro tái cấp vốn. Để đánh giá rủi ro danh mục nợ với lãi suất thả nổi, nhiều nhà quản lý nợ khác sử dụng tỷ trọng nợ với lãi suất thả nổi, và/hoặc lãi suất sẽ được thay đổi trong một giai đoạn nhất định (xem phần trước). Đối với cả nợ trong và ngoài nước, thay đổi lãi suất sẽ ảnh hưởng đến chi phí trả nợ của các khoản phát hành mới khi được sử dụng để tái cấp vốn cho các khoản vay với lãi suất cố định, và các khoản vay với lãi suất thả nổi tại các thời điểm điều chỉnh lại lãi suất. Vì vậy các khoản vay với kỳ hạn ngắn hay có lãi suất thả nổi thường được coi là nhạy cảm với rủi ro lãi suất hơn so với các khoản nợ với kỳ hạn dài hay lãi suất cố định vì tính chất điều chỉnh lãi suất định kỳ. Chỉ tiêu ATR thể hiện thời gian bình quân mà các khoản nợ gốc sẽ phải áp dụng mức lãi suất mới. Do là chỉ tiêu bình quân, chỉ tiêu cung cấp thông tin về xu hướng thay đổi ATR của cả danh mục nợ qua các giai đoạn. Chỉ tiêu này ngắn lại cho thấy bình quân danh mục nợ phải điều chỉnh lãi suất thường xuyên hơn, và vì vậy chịu rủi ro nhiều hơn từ các cú sốc điều chỉnh lãi suất(2)

Tuy việc tính toán biến động của các loại lãi suất (cố định/thả nổi) là trọng tâm, ATR cũng là một chỉ tiêu quan trọng thể hiện rủi ro lãi suất vì nó thể hiện mức biến động trong lịch trả nợ của các khoản vay phải điều chính lãi suất, có nghĩa là biến động của các trọng số. Ngoài ra, chỉ tiêu này cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đề ra các chỉ tiêu để hồ sơ đáo hạn không bị trồi sụt (xem phần trước).

Trong phân tích thị trường, những phương pháp đánh giá rủi ro lãi suất truyền thống đối với một khoản trái phiếu hoặc danh mục trái phiếu thường liên quan đến thời gian đáo hạn bình quân gia quyền (duration) và độ lồi (convexity). Trong thị trường đầu tư lợi tức cố định (fixed income market), theo đó khoảng ¾ biến động giá trái phiếu được giải thích bằng một yếu tố lãi suất chung (Jorion và Khoury, 1996), đo lường nhân tố bậc 1, xấp xỉ tuyến tính (đạo hàm bậc nhất) của mức độ một tài sản bị ảnh hưởng bởi thay đổi lãi suất được gọi là thời gian đáo hạn bình quân gia quyền, và nhân tố bậc 2 có tính đến điều chỉnh giá (đạo hàm bậc 2) được gọi là độ lồi.

Độ lồi của trái phiếu đo lường mối quan hệ phi tuyến tính giữa giá trái phiếu trước thay đổi lãi suất, trong khi duration là cách đo tuyến tính về độ nhạy của giá trái phiếu trước các biến động lãi suất. Vì vậy tùy thuộc vào độ cong của phương trình lãi suất, giá trái phiếu ít khả năng sẽ thay đổi tuyến tính trước thay đổi lãi suất, và vì vậy duration là chỉ tiêu đánh giá độ nhạy với lãi suất ít chính xác hơn. Phương trình giá trái phiếu có độ cong càng cao thì độ lồi càng là chỉ tiêu đánh giá chính xác hơn mức độ giá trái phiếu thay đổi do lãi suất thay đổi, với độ lồi càng cao thì mức biến động hoặc rủi ro giá trái phiếu càng lớn. Vì vậy, các chỉ tiêu duration và độ lồi có thể hỗ trợ (nhà quản lý nợ và giới đầu tư) trong việc dự báo giá trái phiếu và (nhà đầu tư) quản lý rủi ro thị trường gắn liền với danh mục trái phiếu, ví dụ như giảm độ nhạy với lãi suất của các trái phiếu trong danh mục thông qua giao dịch hoán đổi lãi suất.

(1) Có nhiều tranh luận xoay quanh việc có nên bao gồm các khoản tín phiếu khi đánh giá danh mục nợ với lãi suất thả nổi hay không.

(2) Trong môi trường lãi suất giảm hoặc trong các giai đoạn lãi suất biến động nhiều, các nhà quản lý nợ sẽ muốn ATR ngắn hơn.

Hồ Việt Hương