Sau đại dịch là gánh nặng nợ (Phần 1/2)

10:04 AM 10/06/2020 |  Lượt xem: 566 |  In bài viết |    Đọc bài viết send email  Gửi góp ý

Để ứng phó với đại dịch Covid-19 gắn liền với nhiều biện pháp can thiệp tốn kém, các chính phủ cần tìm ra biện pháp chính sách cân bằng hợp lý giữa kích thích kinh tế và kiềm chế chi tiêu, tạp chí The Economist phân tích trong bài viết đăng tải ngày 23 tháng 4 năm 2020.

Lãnh đạo các quốc gia thường ví cuộc đấu tranh chống Covid-19 như một cuộc chiến. Đây là mô tả mang tính hình tượng, tuy vậy nhưng ở một khía cạnh nhất định thì họ đúng. Theo đánh giá của tập chí The Economist, quy mô nợ công ở các nước có thu nhập cao trên thế giới được dự báo sẽ tăng vọt lên mức cao kỷ lục kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ II năm 1945. Trong bối cảnh nền kinh tế rơi vào tình trạng khủng khoảng, chính phủ các nước đang chi hàng triệu tờ séc cho các hộ gia đình và các công ty để giúp họ vượt qua thời kỳ phong tỏa xã hội. Trong khi đó doanh thu từ thuế bị giảm mạnh khi các nhà máy, cửa hàng và văn phòng bị đóng cửa. Các quốc gia được dự báo sẽ gánh chịu hệ quả rất lâu sau khi đại dịch Covid-19 chấm dứt.

Tình hình tài chính công trên toàn thế giới đang bị suy giảm nghiêm trọng. Chính phủ Hoa Kỳ dự kiến sẽ điều hành thâm hụt ngân sách ở mức 15% GDP , và có thể tăng cao hơn trong trường hợp cần triển khai thêm các gói kích thích kinh tế. IMF đánh giá tổng nợ chính phủ của các nước giàu sẽ tăng thêm 6 nghìn tỷ đô la, lên mức 66 nghìn tỷ đô la vào cuối năm nay, tương đương với mức tăng từ 105% GDP lên 122% GDP, mức tăng hàng năm cao hơn cả trong giai đoạn khủng hoảng tài chính toàn cầu. Nếu tình trạng phong tỏa xã hội kéo dài hơn, tác động lên gánh nặng nợ sẽ trầm trọng hơn. Để quản lý các khoản nợ khổng lồ như vậy là thách thức rất lớn đối với xã hội phương Tây trong nhiều thập kỷ tới.

Rất ít chủ đề trong kinh tế học thu hút nhiều sự quan tâm hơn vay nợ của chính phủ. Nợ công của một quốc gia không giống như nợ thẻ tín dụng của hộ gia đình. Khi nợ quốc gia thuộc do công dân của nước đó nắm giữ, quốc gia này về bản chất nợ tiền của chính nước mình. Nợ có thể cao, nhưng chi phí thanh toán trả nợ mới là yếu tố quan trọng, và miễn là mặt bằng lãi suất duy trì ở mức thấp, nghĩa vụ thanh toán trả nợ vẫn còn ở mức rẻ. Năm 2019, Hoa Kỳ đã chi 1,8% GDP để thanh toán nghĩa vụ trả nợ lãi, thấp hơn so với 20 năm trước đó. Năm 2019, nợ công của Nhật Bản đã tiến gần mức 240% GDP, nhưng rất ít dấu hiệu cho thấy nước này không thể duy trì được gánh nặng nợ này. Ở các quốc gia tự in tiền, các ngân hàng trung ương có thể giữ mặt bằng lãi suất thấp bằng cách mua trái phiếu. Cục Dữ trữ Liên bang Hoa Kỳ đã tiến hành mua trái phiếu chính phủ trong những tuần gần đây với quy mô chưa từng có. Rủi ro lạm phát hiện được đánh giá là thấp, đặc biệt là khi giá dầu đã sụt giảm mạnh. Các nhà kinh tế ít lo lắng trước việc chính phủ gia tăng vay nợ hơn là việc các quốc gia chi tiêu quá rụt rè trước quan ngại nợ công tăng cao. Biện pháp hỗ trợ tài chính không đủ lớn có nguy cơ đẩy nền kinh tế vào vòng xoáy suy thoái.

Tuy nhiên, trong khi chi tiêu phóng khoáng trong giai đoạn này để tránh sụt giảm kinh tế sâu hơn là biện pháp hợp lý, việc huy động vốn vay trong nhiều năm sẽ dẫn đến rủi ro về lâu dài. Diễn biến thị trường tài chính cho thấy lãi suất có thể sẽ duy trì ở mức thấp trong thập kỷ tới, tuy vậy vẫn còn rất nhiều điều chưa hiểu hết về virút SARS-CoV-2 và ảnh hưởng của nó, và các nhà đầu tư vì vậy chưa thể đưa ra dự báo về viễn cảnh tương lai.

Hồ Việt Hương