Sau đại dịch là gánh nặng nợ (Phần 2/2)

10:10 AM 10/06/2020 |  Lượt xem: 4257 |  In bài viết |    Đọc bài viết send email  Gửi góp ý

Để ứng phó với đại dịch Covid-19 gắn liền với nhiều biện pháp can thiệp tốn kém, các chính phủ cần tìm ra biện pháp chính sách cân bằng hợp lý giữa kích thích kinh tế và kiềm chế chi tiêu, tạp chí The Economist phân tích trong bài viết đăng tải ngày 23 tháng 4 năm 2020.

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19, các chính phủ sẽ phải đưa ra lựa chọn khó khăn theo đó áp dụng các chính sách kích thích kinh tế hiện nay và biện pháp thắt lưng buộc bụng thận trọng trong tương lai. Thành công của lựa chọn này không được đảm bảo. Sau Chiến tranh Thế giới thứ II, các quốc gia đã nỗ lực giảm dần gánh nặng nợ qua nhiều thập kỷ bằng cách sử dụng kết hợp biện pháp đánh thuế cao đối với dòng vốn, áp chế tài chính (financial repression, buộc các nhà đầu tư trong nước nắm giữ công cụ nợ với mức lãi suất thấp không theo nguyên tắc thì trường) và lạm phát, theo đó làm giảm giá trị thực của các khoản nợ theo thời gian. Thời kỳ bùng bổ trẻ sơ sinh hậu Thế chiến và trình độ giáo dục tăng nhanh đã giúp các nền kinh tế dễ dàng phát triển thoát khỏi gánh nặng nợ nần. Nhật Bản đã không phải đối mặt với cuộc khủng hoảng thị trường trái phiếu kể từ những năm 1990, nhưng tỷ lệ nợ trên GDP của nước này đã tiếp tục tăng. Sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2007-09, một số nước châu Âu đã lựa chọn cắt giảm ngân sách để cắt giảm nợ, với hiệu quả khác nhau và phản ứng chính trị rất lớn.

Những tác động chính trị gắn liền với việc cắt giảm thâm hụt ngân sách là rất phức tạp. Bối cảnh đại dịch sẽ làm gia tăng mạnh các yêu cầu chi tiêu, đặc biệt là trong dịch vụ y tế, thay vì chính sách thắt lưng buộc bụng. Hiện tượng già hóa dân số cũng làm tăng nhu cầu chi trả cho lương hưu và chi tiêu y tế trong những năm 2030 và 2040. Riêng việc duy trì các dịch vụ công cộng cũng trở nên tốn kém hơn, chứ chưa nói đến việc cải thiện chất lượng dịch vụ công. Chính trị gia đề xuất cắt giảm phúc lợi cho người hưu trí sẽ đánh mất sự ủng hộ của các cử tri cao tuổi. Dư địa nguồn lực dự phòng cũng sẽ giảm mạnh để chống lại các cuộc khủng hoảng trong tương lai, như từ biến đổi khí hậu hoặc thậm chí là từ một đại dịch khác.

Lạm phát ở mức tương đối cao sẽ góp phần giảm gánh nặng nợ thông qua làm tăng giá trị tăng trưởng kinh tế danh nghĩa. Khi tỷ lệ lạm phát cao hơn lãi suất, quy mô nợ hiện hành so với GDP sẽ giảm dần theo thời gian. Tyu vậy, các ngân hàng trung ương trong giai đoạn vừa qua đã không đạt được mục tiêu lạm phát đã đề ra. Trong 10 năm qua, Hoa Kỳ và khu vực đồng tiền chung châu Âu đã chứng kiến hiện tượng lạm phát thấp hơn mục tiêu 5-6%. Ngân hàng trung ương tại các nước này nên đưa ra các cam kết tăng tỷ lệ lạm phát trong tương lai. Việc này sẽ giúp giảm gánh nặng nợ mà vẫn không phá vỡ các cam kết về lạm phát mục tiêu trong quá khứ.

Các chính phủ cần chuẩn bị trải qua giai đoạn khó khăn để cân đối ngân sách nhà nước vào giai đoạn sau của thập kỷ này. Thực hiện đúng, nỗ lực này sẽ công bằng và hiệu quả hơn so với việc giới hạn lãi suất ở mức thấp hay để lạm phát gia tăng (theo đó sẽ ảnh hưởng đến việc phân bố tài sản một cách lũy thoái và tùy tiện, như bằng cách giảm gánh nặng nợ của các công ty và chủ sở hữu nhà với mức vay cao). Giải pháp hiệu quả hơn là tăng thuế đối với lĩnh vực đất đai, thừa kế, khí thải carbon và, như ở Hoa Kỳ là tăng thuế tiêu dùng, và tối thiểu là là cố gắng cắt giảm chi tiêu cho người già.

Có khả năng lãi suất thực sự sẽ duy trì ở mức thấp trong khi tăng trưởng hồi phục trở lại và lạm phát chỉ tăng nhẹ, theo đó góp phần giảm bớt gánh nặng nợ. Tuy vậy, việc duy trì quy mô nợ ở mức cao tiềm ẩn rủi ro và quan ngại không nhỏ. Việc thực hiện mục tiêu cân đối ngân sách nhà nước được đánh giá sẽ là một trong những thách thức lớn nhất của các chính trị gia thời kỳ hậu Covid-19, vấn đề đến nay các nhà hoạch định chính sách vẫn chưa bắt đầu đối mặt./.

Hồ Việt Hương