Ứng dụng mô hình quản lý tài sản có, tài sản nợ ALM trong công tác quản lý nợ chính phủ

10:01 AM 08/07/2019 |  Lượt xem: 2345 |  In bài viết |    Đọc bài viết send email  Gửi góp ý

Xét trên một số khía cạnh, một chính phủ cũng giống một doanh nghiệp. Chính phủ đó nhận được nguồn thu từ người nộp thuế và các nguồn khác, sử dụng nguồn thu đó để chi trả các chi phí hoạt động, thực hiện thanh toán chuyển giao, mua ngoại hối, đầu tư vào cơ sở hạ tầng công cộng và các doanh nghiệp nhà nước, đồng thời đáp ứng được các chi phí dịch vụ nợ. Một chính phủ cũng có thể cho vay và cung cấp bảo lãnh một cách công khai hay ngầm định. Những hoạt động đa dạng trên của chính phủ có thể được thực hiện để đạt được một loạt các mục tiêu về kinh tế vĩ mô, pháp lý, an ninh quốc gia và chính sách xã hội. Tuy nhiên, trong quá trình đó có phát sinh về rủi ro tài chính và tín dụng mà chính phủ có thể quản lý bằng việc cân nhắc các dạng rủi ro liên quan đến tài sản có và tài sản nợ của mình.

Tuy vậy, cũng có sự khác biệt quan trọng giữa vai trò của chính phủ và vai trò của các doanh nghiệp tư nhân. Mặc dù một số chính phủ cố gắng xây dựng bảng cân đối tài chính để lượng hoá giá trị các tài sản và công nợ của mình, nhiều chính phủ vẫn chưa sẵn sàng và đang trong quá trình cố gắng thực hiện việc này. Vấn đề này về căn bản là không hỗ trợ việc áp dụng với phương pháp ALM. Ngược lại, mục tiêu của phương pháp ALM là xem xét các dạng tài sản và nghĩa vụ nợ khác nhau thuộc phạm vi quản lý của chính phủ và xem xét những đặc điểm tài chính liên quan đến tài sản đó có giúp hiểu sâu hơn cách quản lý chi phí và rủi ro nợ công của chính phủ hay không. Việc phân tích này có thể bao gồm xem xét đặc điểm tài chính của các luồng tiền tài sản. Nếu không thể hợp nhất được tất cả các loại tài sản thì việc phân tích dòng tiền cũng tạo cơ sở cho việc lượng hoá rủi ro trong danh mục nợ công và lượng hoá khả năng hoán đối giữa chi phí/rủi ro.

Sử dụng mô hình lý thuyết ALM trong vấn đề quản lý nợ công có thể là một phương pháp tốt vì nhiều lý do sau: đưa phân tích chi phí/rủi ro trong danh mục nợ chính phủ vào phần phân tích nguồn thu chính phủ có thể sử dụng để trả nợ, nguồn thu này chủ yếu là nguồn thu từ thuế của chính phủ. Nó còn cho phép các nhà quản lý nợ chính phủ cân nhắc các dạng tài sản và danh mục công nợ mà chính phủ quản lý, ngoài nguồn thu từ thuế và danh mục nợ trực tiếp. Việc đánh giá các rủi ro chính liên quan đến các danh mục này có thể giúp chính phủ thiết kế một chiến lược tổng thể nhằm giảm rủi ro chung trong bảng cân đối của mình. Ngoài ra, phương pháp ALM cũng là một mô hình hữu ích trong việc xem xét công tác tổ chức điều hành trong quản lý bảng cân đối tài chính của chính phủ.

Một ví dụ của việc áp dụng ALM có thể được rút ra từ thực tế quản lý rủi ro của một ngân hàng. Là một trung gian tài chính, một ngân hàng nhận tiền gửi từ công chúng và cho vay đối với các cá nhân, tổ chức kinh doanh với mức lãi suất thường cao hơn chi phí huy động vốn. Tùy theo nhu cầu cụ thể của bên vay và bên gửi tiền mà tiền gửi hay các khoản vay khác nhau về ngày đáo hạn, thời hạn và cơ cấu tiền tệ tạo cho ngân hàng các rủi ro trước những thay đổi về lãi suất hay tỷ giá cũng như những thiếu hụt tiềm năng về thanh khoản.

Để đánh giá tổng thể và quản lý các rủi ro tài chính phát sinh từ vai trò là tổ chức trung gian này, ngân hàng đã lập ủy ban tài sản có và tài sản nợ (Asset Liability Committee). Ủy ban này định kỳ xem xét các yếu tố về tài sản nợ và tài sản có của tổ chức, phân tích sự mất cân đối về cơ cấu tiền tệ và lãi suất, và trên cơ sở này có thể đưa ra những quyết định điều chỉnh đối với cấu trúc bảng cân đối. Trong một số trường hợp, ngân hàng có thể quyết định duy trì mức độ chịu rủi ro thị trường hiện hành, hoặc thậm chí tăng thêm trạng thái chịu rủi ro nhằm hưởng lợi tiềm năng từ sự mất cân đối nào đó phát sinh từ biến động của các biến kinh tế. Trong những trường hợp khác, ngân hàng có thể muốn giảm rủi ro thị trường của tùy thuộc tình hình rủi ro/lợi nhuận. Rõ ràng đối với một chính phủ thì trường hợp sau là cách hành xử khôn ngoan hơn bởi sẽ không thể đầu cơ tiền đóng thuế của người dân. Bên cạnh sự khác nhau về cách hành xử như nói trên, đặc điểm của tài sản có của chính phủ khiến việc áp dụng khuôn khổ ALM truyền thống để việc phân tích rủi ro nợ quốc gia phức tạp hơn bởi vì không giống như các tài sản tài chính của ngân hàng, tài sản công thiếu nhiều yếu tố tài chính chính xác làm cơ sở cho việc xác định và lượng hóa rủi ro.

Việc dự báo dòng thu và chi của chính phủ gặp rất nhiều khó khăn khi các dòng tiền này mang tính ngẫu nhiên và phụ thuộc nhiều vào các chính sách kinh tế vĩ mô, khó để dự báo được xu hướng biến động trước những thay đổi về lạm phát, lãi suất và tỷ giá. Chẳng hạn như việc giảm giá trị tiền tệ có thể tăng thu của chính phủ nếu việc phá giá thực sự thúc đẩy hoạt động kinh tế, nhưng có thể sẽ gây ra tác động xấu hoặc làm nhập khẩu sụt giảm nghiêm trọng. Tuy nhiên, một lựa chọn đáng tin cậy là chia tài sản có của chính phủ thành các bộ phận cấu thành, hoặc các tiểu  mục, và lập các hạng mục tài chính của những tiểu danh mục này một cách riêng rẽ và xác định các yếu tố bảo đảm. Những nhóm tài sản có với các đặc điểm tài chính rõ ràng này sẽ được bảo đảm bằng việc xác định một nghĩa vụ tương ứng với bên tài sản nợ của chính phủ để đặc điểm tài chính của 2 phía là cần xứng. Tiểu danh mục này sẽ góp phần giảm bớt mức độ rủi ro của các hạng mục tài chính bên tài sản có và làm giảm biên độ mắc lỗi trong dự tính rủi ro.

Đối với dự kiến nghĩa vụ trả nợ, về cơ bản chính phủ phân tích rủi ro danh mục nợ bằng cách dự kiến các dòng nghĩa vụ trả nợ gốc và lãi trong tương lai. Mô phỏng dòng tiền nghĩa vụ trả nợ trong tương lai này cũng giúp xác định rủi ro tiềm ẩn của các luồng nghĩa vụ nợ phát sinh từ các cú sốc về lãi suất, tỷ giá và thiếu nguồn vay trên thị trường nội địa hoặc quốc tế. Ví dụ như rủi ro tăng chi phí huy động vốn và trả nợ tiềm ẩn trong những kịch bản khác nhau.

 

Biện pháp tính chi phí và rủi ro đối với một danh mục nợ quốc gia

Hiện nay, nhiều chính phủ đã nhận thấy việc quản lý danh mục tài sản có và tài sản nợ thông qua khuôn khổ ALM có thể được áp dụng để thiết lập cơ cấu các khoản nợ ngoại tệ. Thông thường, danh mục đầu tư lớn nhất của tài sản tài chính là dự trữ ngoại hối do ngân hàng trung ương quản lý. Thông lệ quốc tế cho thấy các nước đang phát triển, cơ cấu tiền tệ trong rổ dự trữ ngoại hối có khoảng 65% bằng đô la Mỹ, 25% bằng EUR và còn lại là JPY hoặc các loại tiền tệ khác (JPY là thấp vì lãi suất rất thấp).

Đối với Việt Nam, có thể sử dụng cấu trúc tiền tệ của dự trữ ngoại hối để thiết lập cơ cấu dư nợ ngoại tệ, qua đó góp phần giảm rủi ro ngoại tệ cho đất nước. Tùy thuộc vào tổng quy mô dự trữ ngoại hối, có thể phòng vệ toàn bộ rủi ro ngoại hối bộ từ góc độ quốc gia bằng cách kết hợp các cấu trúc tiền tệ của nợ chính phủ bằng ngoại tệ với dự trữ ngoại hối. Bên cạnh đó, đối với các khoản nợ chính phủ bằng nội tệ cần được đặt trong mối quan hệ với các tài sản công hình thành từ các khoản vay nợ công để thiết lập bảng cân đối ALM bền vững, đảm bảo các nguồn thu để trả nợ trong tương lai.

Hoàng Phương Hà