Đề tài Nghiên cứu khoa học: Định hướng quản lý tài chính nguồn tài trợ không hoàn lại của nước ngoài thực hiện hoạt động nghiên cứu khoa học và hợp đồng dịch vụ giữa hai bên
04:11 PM 27/02/2019 |
Lượt xem: 7245 |
In bài viết |
Đọc bài viết
Gửi góp ý
Ngày 7/12/2018, Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại đã tổ chức nghiệm thu Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Cục “Định hướng quản lý tài chính nguồn tài trợ không hoàn lại của nước ngoài thực hiện hoạt động nghiên cứu khoa học và thực hiện hợp đồng dịch vụ giữa hai bên”.
Việc nghiên cứu Đề tài xuất phát từ bất cập do các văn bản quy phạm pháp luật không có khái niệm rõ ràng về “viện trợ nước ngoài vì mục tiêu nhân đạo và phát triển”, các cơ quan chủ quản không có cách hiểu thống nhất về viện trợ, không phân biệt được hoạt động viện trợ với các hoạt động tài trợ khác từ nước ngoài như hoạt động hợp tác thông thường, hoạt động cung cấp dịch vụ (có thu/ không có thu), hay hoạt động nghiên cứu khoa học, và xuất phát từ yêu cầu quản lý trong giai đoạn mới, những kinh nghiệm học hỏi được từ các nước có cùng trình độ phát triển, cùng nhu cầu vốn,…
Đề tài đã hệ thống hóa và đi sâu phân tích khá đầy đủ, xác đáng các văn bản pháp luật liên quan đến viện trợ (3 Nghị định của Chính phủ; 15 Thông tư, Quyết định của Bộ Tài chính về quản lý tài chính, về chính sách thuế, hải quan, kế toán; chưa kể đến văn bản của các Bộ, địa phương) và tài trợ trong lĩnh vực khoa học công nghệ và hoạt động dịch vụ ký kết giữa hai bên.
Thông qua phân tích một số vướng mắc đã gặp trong việc xác nhận hàng viện trợ, với việc lựa chọn đưa ra 4 ví dụ cụ thể về tiếp nhận viện trợ, Đề tài đã làm rõ hiện trạng và hậu quả khi không phân biệt rõ tài trợ cho hoạt động nghiên cứu khoa học, tài trợ cho hợp đồng dịch vụ. Mặt khác, nếu trả lại hồ sơ cho chủ dự án cũng dẫn đến những vướng mắc như: (i) Nếu không phải viện trợ thì khoản tài trợ đó bản chất là gì?; (ii) Nếu đã phê duyệt theo quy chế viện trợ rồi thì xử lý như thế nào; (iii) Việc ghi nhận vào ngân sách ra sao?...
Bên cạnh đó, Đề tài đã có những đề xuất cụ thể về biện pháp định hướng quản lý tài chính nguồn tài trợ không hoàn lại của nước ngoài thực hiện hoạt động nghiên cứu khoa học và thực hiện hợp đồng dịch vụ (5 nhóm biện pháp). Đề tài đưa ra 2 căn cứ quan trọng cần lưu ý hỗ trợ cho việc phân biết hoạt động viện trợ trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học và hoạt động thực hiện hợp đồng dịch vụ trong nghiên cứu khoa học đó là (i) Thỏa thuận ký kết giữa hai bên với 3 nội dung cụ thể thể hiện trong thỏa thuận; và (ii) Dòng tiền luân chuyển. Các đề xuất, gợi ý này vừa giúp tránh thất thoát nguồn lực của nhà nước, vừa để xây dựng và hoàn thiện cơ sở pháp lý vững chắc, lại là cẩm nang cho cán bộ Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại hàng ngày xử lý công việc
Đề tài đã được Hội đồng Khoa học của Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại nghiệm thu và xếp loại đạt.