Đề tài nghiên cứu khoa học: Đề xuất quy trình tiếp nhận, cơ chế quản lý tài chính đối với viện trợ quốc tế để cứu trợ khẩn cấp và khắc phục hậu quả thiên tai.

02:50 PM 20/03/2020 |  Lượt xem: 5668 |  In bài viết |    Đọc bài viết send email  Gửi góp ý

Việc nghiên cứu Đề tài xuất phát từ bất cập trong quá trình tiếp nhận viện trợ cứu trợ khẩn cấp và khắc phục hậu quả thiên tai do hiện không có một văn bản pháp luật quy định riêng về quy trình tiếp nhận và chế độ quản lý tài chính đối với viện trợ quốc tế để cứu trợ khẩn cấp và khắc phục hậu quả thiên tai mà các quy định hiện đang được thực hiện áp dụng theo các quy định chung về viện trợ: Nghị định số 93/2009/NĐ-CP ngày 22/10/2019 của Chính phủ ban hành Quy chế quản lý và sử dụng viện trợ phi chính phủ nước ngoài hay Nghị định số 16/2016/NĐ-CP ngày 16 tháng 3 năm 2016 của Chính phủ về quản lý và sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài và Nghị định số 132/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 16/2016/NĐ-CP nói trên.

Sau ảnh hưởng của cơn bão số 12 năm 2018 (bảo Damrey), một số Chính phủ, tổ chức quốc tế (Nga, Mỹ, Trung Quốc, JICA…) viện trợ khẩn cấp hàng hóa, tiền để khắc phục hậu quả thiên tai. Tuy nhiên, do thiếu quy định pháp lý về việc tiếp nhận, thực hiện viện trợ cũng như cơ chế phối hợp giữa các Bộ, ngành và địa phương nên việc triển khai tiếp nhận còn nhiều lúng túng. Một số khoản tiếp nhận phải vận dụng, đề nghị một số cơ quan của Liên hợp quốc hỗ trợ triển khai giải ngân theo thủ tục quốc tế mới đảm bảo về thời gian của nhà tài trợ (ví dụ khoản hỗ trợ 4 triệu USD của Chính phủ Hàn Quốc phải chuyển Chương trình Phát triển Liên hợp quốc để tiến hành triển khai theo thủ tục quốc tế).

Việc thực hiện theo quy trình và chế độ quản lý tài chính đối với vốn viện trợ cứu trợ khẩn cấp và khắc phục hậu quả thiên tai theo các quy định hiện hành nói trên chưa đáp ứng được tính chất, đặc điểm của các khoản viện trợ cứu trợ khẩn cấp là khẩn thiết và cấp bách, phải được thực hiện và triển khai ngay sau khi có thiên tai, lũ lụt hay dịch bệnh xảy ra. Thời gian để một khoản viện trợ quốc tế đến được với người dân, người chịu ảnh hưởng của thiên tai, hạn hán, lũ lụt hay dịch bệnh xảy ra có thể là 01 tháng nếu thực hiện theo quy định hiện hành của pháp luật.

Ngoài ra, Luật Ngân sách nhà nước số 83/2015/QH13 ngày 25 tháng 6 năm 2015 quy định “Các khoản chi ngân sách chỉ được thực hiện khi có dự toán được cấp có thẩm quyền giao và phải bảo đảm đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định”. Vốn viện trợ cứu trợ khẩn cấp của Chính phủ các nước, các tổ chức, cá nhân ở ngoài nước cho Chính phủ Việt Nam và chính quyền địa phương là một nguồn thu của ngân sách nhà nước, vì vậy nguồn vốn viện trợ này chỉ được sử dụng khi có dự toán được cấp có thẩm quyền giao.

Vì vậy, hiện nay về quy trình thủ tục tiếp nhận nguồn vốn viện trợ cứu trợ khẩn cấp và các quy định về chế độ quản lý tài chính hiện thực hiện theo các quy định hiện hành đều đang gặp khó khăn, vướng mắc và cần được giải quyết ngay để tháo gỡ các vướng mắc trong việc tiếp nhận các khoản viện trợ cứu trợ khẩn cấp trong tương lai vì Việt Nam là một nước chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, thường xuyên phải chịu ảnh hưởng từ các cơn bão, lũ lụt đặc biệt là các tỉnh miền Nam Trung Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long.

Đề tài đã hệ thống hóa và đi sâu phân tích khá đầy đủ, xác đáng các văn bản pháp luật hiện hành liên quan đến viện trợ và các tính chất, đặc điểm của khoản cứu trợ khẩn cấp phát sinh trong quá trình thực hiện, tiếp nhận từ thực tế để thông qua đó xây dựng Đề xuất quy trình tiếp nhận, cơ chế quản lý tài chính đối với viện trợ quốc tế để cứu trợ khẩn cấp và khắc phục hậu quả thiên tai.

Đề tài đã được Hội đồng Khoa học của Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại nghiệm thu và xếp loại đạt.

Đỗ Lưu Hoa

CÁC TIN KHÁC