Đề tài nghiên cứu khoa học: Nghiên cứu các sản phẩm tài chính mới sau khi tốt nghiệp IDA

08:44 AM 27/05/2019 |  Lượt xem: 6556 |  In bài viết |    Đọc bài viết send email  Gửi góp ý

Năm 2010 khi Ngân hàng thế giới xếp Việt Nam vào nhóm quốc gia có thu nhập trung bình thì các nhà tài trợ viện trợ không hoàn lại đã lên kế hoạch dần rút lui khỏi Việt Nam để chuyển nguồn tài trợ sang các địa bàn khác cần ưu tiên cao hơn, bắt đầu là Chính phủ Anh đã cắt giảm gần như hoàn toàn nguồn viện trợ không hoàn lại cho Việt Nam từ năm 2013. Mặt khác, điều kiện vay vốn từ các nhà tài trợ cũng dần chuyển sang các mức kém ưu đãi hơn.

Do đó, ngoài việc tìm kiếm các nguồn vốn khác từ nước ngoài thì việc đa dạng hóa các công cụ huy động vốn trong nước nhằm đáp ứng nhu cầu về quy mô vốn ngày càng tăng cũng cần được xem xét, đánh giá.

Nội dung chính của Đề tài bao gồm 3 phần:

Chương I: Tổng quan về các hình thức huy động vốn của Chính phủ hiện nay:

Chương I tập trung vào phân tích tổng quan về các hình thức huy động vốn trong nước và nước ngoài hiện nay của chính phủ.

Vốn vay trong nước bao gồm có: Tín phiếu, trái phiếu chính phủ; Các khoản vay thông qua hình thức hợp đồng vay. Trong những năm vừa qua thị trường TPCP đã có bước phát triển đáng kể, đóng vai trò là kênh huy động vốn hiệu quả cho ngân sách nhà nước để bù đắp bội chi và đầu tư phát triển. Tuy nhiên, do nhu cầu chi tiêu của NSNN lớn dẫn đến bội chi còn ở mức cao, dẫn đến khối lượng vốn phải huy động hàng năm tăng lên. Vì thế cần thiết nghiên cứu và đưa ra các sản phẩm mới vào thị trường, đáp ứng nhu cầu đa dạng của các nhà đầu tư.

Vốn vay nước ngoài của chính phủ vẫn tập trung chủ yếu vào các hình thức vay truyền thống như: Vay ODA, ưu đãi nước ngoài. Các khoản vay thương mại nước ngoài của Chính phủ ở mức hạn chế. Chính phủ đang tiếp tục tận dụng tối đa nguồn vốn ODA, ưu đãi mà các tổ chức quốc tế đa phương và các chính phủ nước ngoài dành cho Việt Nam. Để đẩy nhanh quá trình phát triển, đạt các mục tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011- 2020, nguồn vốn vay kém ưu đãi hơn và vay thương mại tăng lên sẽ là sự thay đổi chính trong thời gian tới.

Chương II: Một số sản phẩm tài chính mới và khả năng áp dụng với Chính phủ Việt Nam.

Đề tài nghiên cứu khả năng phát hành các sản phẩm mới theo lộ trình phù hợp với sự phát triển của thị trường và nhu cầu của nhà đầu tư như: Trái phiếu có lãi suất thả nổi, trái phiếu gắn với chỉ số lạm phát, trái phiếu xanh... Song song với đó là phát triển theo lộ trình các sản phẩm phái sinh trái phiếu phù hợp với sự phát triển của thị trường và nhu cầu của nhà đầu tư như: Hợp đồng tương lai/kỳ hạn, hợp đồng quyền chọn. Đây là những sản phẩm mới đã và đang được nhà đầu tư kỳ vọng sẽ đem lại “sức bật” cho thị trường trái phiếu Chính phủ trong thời gian tới.

Đối với nguồn huy động vốn nước ngoài, khi Việt Nam trở thành quốc gia có thu nhập trung bình thì các khoản cho vay từ các nhà tài trợ có thành tố ưu đãi về tài chính giảm đi, thay vào đó các nhà tài trợ cho phép quốc gia tiếp nhận vốn lựa chọn các hình thức khoản vay linh hoạt về lãi suất, kỳ hạn, đồng tiền nhằm giúp các quốc gia đáp ứng nhu cầu về vốn đồng thời thực hiện quản lý rủi ro danh mục nợ. Việc sử dụng nguồn vốn vay từ nước ngoài với điều kiện kém ưu đãi hơn, tiếp cận dần với điều kiện thị trường cần thiết phải cân nhắc đến mục tiêu sử dụng, cân đối giữa lợi ích- chi phí của danh mục nợ công và nợ nước ngoài của quốc gia.

Chương III: Đề xuất, kiến nghị về việc sử dụng các sản phẩm tài chính mới.

Dựa trên thực trạng tình hình huy động vốn trong nước và nước ngoài của Việt Nam trong giai đoạn qua, đồng thời kết hợp với việc phân tích những đặc điểm chính của các sản phảm tài chính mới, đề tài đã đưa ra một số các đề xuất khuyến nghị liên quan đến việc áp dụng các sản phẩm này trong tương lai bao gồm các khuyến nghị liên quan đến: cơ chế chính sách, khuôn khổ pháp lý, năng lực kỹ thuật và tính chủ động, sáng tạo… để mang lại tính hiệu quả cao trong công tác huy động vốn đồng thời giữ vững an toàn nợ công, an ninh tài chính quốc gia.

Đề tài mang tính ứng dụng cao trong quản lý và thực tiễn, đặc biệt trong bối cảnh khi mà Việt Nam tốt nghiệp nguồn vốn IDA của Ngân hàng Thế giới và nguồn ADF của Ngân hàng phát triển Châu Á. Việc nghiên cứu các sản phẩm tài chính mới một mặt giúp Chính phủ có thể xem xét để đa dạng hóa các hình thức huy động vốn, cả trong nước và nước ngoài, mặt khác tạo ra nhiều lựa chọn huy động giúp Chính phủ đáp ứng được nhu cầu về huy động vốn, thúc đẩy sự phát triển của thị trường vốn trong nước, đồng thời là cơ sở để Chính phủ có thể xem xét, tổ chức thực hiện các nghiệp vụ quản lý nợ nhằm đạt được danh mục nợ có cơ cấu hợp lý ở mức rủi ro chấp nhận được.

Hoàng Phương Hà

CÁC TIN KHÁC