Nghiên cứu việc hợp nhất qui định về bảo lãnh chính phủ đối với Ngân hàng chính sách và đề xuất hoàn thiện chính sách

02:09 PM 18/02/2019 |  Lượt xem: 6580 |  In bài viết |    Đọc bài viết send email  Gửi góp ý

Đề tài được thực hiện bằng phương pháp thống kê số liệu, phân tích, đánh giá trên kết quả thực tế triển khai thực hiện các chính sách, nhìn nhận các thuận lợi, hạn chế, bất cập của chính sách bảo lãnh Chính phủ trong từng giai đoạn. Việc thực hiện được thông qua thu thập số liệu từ các nguồn chính thức của Bộ Tài chính, thông qua việc trao đổi với các cán bộ chuyên môn, các chuyên gia tài chính trong lĩnh vực bảo lãnh Chính phủ để đề xuất các nội dung hoàn chỉnh chính sách, tập trung vào các nội dung nghiên cứu bao gồm:

- Đánh giá thực trạng bảo lãnh Chính phủ đối với ngân hàng chính sách: tập trung vào đánh giá quy định của pháp luật chung về bảo lãnh chính phủ và pháp luật về bảo lãnh Chính phủ đối với các ngân hàng chính sách. Thời kỳ nghiêu cứu được xem xét là trước và sau Luật Quản lý nợ công năm 2009, là điểm mốc cơ bản đánh dấu thay đổi về chất của việc quản lý bảo lãnh Chính phủ. Chương này cũng đánh giá về tình hình thực hiện bảo lãnh Chính phủ nói chung và cho các ngân hàng chính sách nói riêng để làm nổi lên tính chất đặc thù của việc bảo lãnh cho các ngân hàng chính sách so với các đối tượng khác.

- Xác  định sự cần thiết hợp nhất các quy định về bảo lãnh Chính phủ: tập trung nêu rõ yêu cầu của Đảng và Quốc hội, căn cứ pháp lý và lý do cần thiết phải hợp nhất các quy định về bảo lãnh Chính phủ trong văn bản hướng dẫn Luật Quản lý nợ công năm 2017.

- Đề xuất cụ thể về nội dung hoàn thiện chính sách: tập trung vào các nội dung đề xuất cần lưu ý hướng dẫn trong văn bản hướng dẫn Luật Quản lý nợ công năm 2017 về bảo lãnh Chính phủ theo hướng hợp nhất các nội dung quy phạm pháp luật hiện hành.

- Dự báo tác động của văn bản hợp nhất: Do việc hoàn thiện chính sách có đưa ra những vấn đề mới, Báo cáo dự báo tác động của văn bản dự kiến được ban hành đối với các đối tượng thực hiện, kể cả đối tượng chịu sự quản lý và cơ quan quản lý.

Kết quả nghiên cứu của đề tài được ứng dụng vào thực tế xây dựng chính sách bảo lãnh, cụ thể là đề xuất kết cấu và nội dung dự thảo Nghị định về cấp và bảo lãnh Chính phủ hướng dẫn Luật Quản lý nợ công mới được ban hành theo hướng hợp nhất các quy định về bảo lãnh Chính phủ trong một văn bản duy nhất.

Ngày 26/6/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 91/2018/NĐ-CP về cấp và quản lý bảo lãnh Chính phủ, nọi dung gồm các quy định cho cả đối tượng được bảo lãnh là doanh nghiệp thực hiện dự án đầu tư và ngân hàng chính sách. Nghị định có hiệu lực từ ngày 01/07/2018./.

Hoàng Thu Hà

CÁC TIN KHÁC