Bộ Tài chính tổ chức Hội thảo trực tuyến với Quỹ Tiền tệ Thế giới - IMF về quản lý rủi ro cho vay lại vốn vay nước ngoài và bảo lãnh của Chính phủ

04:08 PM 04/12/2020 |  Lượt xem: 3290 |  In bài viết |    Đọc bài viết send email  Gửi góp ý

Ông Trương Hùng Long – Cục trưởng Cục QLN&TCĐN, Bộ Tài chính phát biểu khai mạc Hội thảo

Trong những năm gần đầy, nguồn vốn Chính phủ vay về cho vay lại và cấp bảo lãnh Chính phủ đã và đang đóng góp quan trọng cho phát triển cơ sở hạ tầng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai đều tiềm ẩn phát sinh các rủi ro đối các hoạt động cho vay lại và cấp bảo lãnh Chính phủ, Chính phủ. Vì vậy, mục tiêu của Hội thảo này là nâng cao nhận thức về các vấn đề quản lý rủi ro liên quan đến hoạt động cho vay lại và bảo lãnh tín dụng của Chính phủ; chia sẻ thông lệ quốc tế tốt và kinh nghiệm của một số quốc gia đã xây dựng thành công các khuôn khổ quản lý và đánh giá rủi ro tín dụng trong những năm gần đây. Ngoài ra, Hội thảo cũng sẽ thảo luận việc xác định các nội dung cần cải thiện trong khuôn khổ pháp lý hiện hành của Việt Nam và thực tiễn trong việc quản lý rủi ro tín dụng từ hoạt động cho vay lại trực tiếp của Chính phủ cũng như thông qua các ngân hàng thương mại và ngân hàng chính sách.

Toàn cảnh Hội thảo trực tuyến với IMF

Tại Hội thảo này, các đại biểu và chuyên gia tập trung trao đổi về 3 nhóm chính là: (i) Tổng quan các quy định của Luật Quản lý nợ công năm 2017 và các văn bản hưởng dẫn về bảo lãnh Chính phủ và cho vay lại nguồn vốn vay nước ngoài ở Việt Nam do đại diện Cục QLN&TCĐN, Bộ Tài chính trình bày; (ii) phương pháp luận về rủi ro và quản lý rủi ro tín dụng của các dự án cho vay lại, dự án bảo lãnh do chuyên gia IMF trình bày; và (iii) kinh nghiệm của các quốc gia trong việc xây dựng khuôn khổ quản lý rủi ro và cách thức xử lý rủi ro do đại diện các nước Uc, Thổ Nhĩ Kỳ, Gha-na trình bày.

Đối với nội dung (i), đại diện Bộ Tài chính đã nêu tổng quan về tình hình cho vay lại và cấp bảo lãnh Chính phủ tại Việt Nam thời gian vừa qua; làm rõ về khung pháp lý đối với hoạt động quản lý rủi ro tại Luật Quản lý nợ công năm 2017 so với Luật Quản lý nợ công năm 2009; đồng thời đề xuất một số công cụ, phương thức quản lý cho phù hợp với yêu cầu quản lý trong tình hình mới.

Đối với nội dung (ii), phía IMF nhấn mạnh một số vấn đề thường gặp phải khi quản lý rủi ro bảo lãnh và cho vay lại như dự phòng ngân sách không đủ để thực hiện nghĩa vụ khi phát sinh, thông tin không đầy đủ, giám sát yếu, vai trò và trách nhiệm không rõ ràng; đưa ra sự cần thiết có các đánh giá và lượng hóa các rủi ro đi kèm với bảo lãnh và cho vay lại tại thời điểm cấp bảo lãnh/ cho vay lại và cập nhật trong suốt thời hạn bảo lãnh, thực hiện dự án cho vay lại thông qua kết hợp 7 phương pháp tiếp cận (mô hình/công cụ), xếp hạng rủi ro, xác định mức phí phù hợp trên cơ sở tính toán các tổn thất dự kiến; đồng thời với đó là phải quản lý ngân quỹ, quản lý nợ cũng như thực hiện kế toán, thống kê đầy đủ. Phía IMF sẵn sàng cung cấp các tập huấn tăng cường năng lực sử dựng các công cụ, mô hình đánh giá rủi ro nêu trên.

 

Chuyên gia của IMF tham luận trực tuyến tại Hội thảo

Về kinh nghiệm quốc tế (nội dung (iii), các nước đều nhấn mạnh có cho vay lại và cấp bảo lãnh là đều có rủi ro; nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng phương pháp đánh giá rủi ro cả trước và sau khi cấp bảo lãnh/ cho vay lại và xác định mức phí căn cứ đánh giá rủi ro nói trên. Thổ Nhĩ Kỳ duy trì tài khoản ký quỹ đối với cho vay lại cho chính quyền địa phương và doanh nghiệp thuộc sở hữu của chính quyền địa phương để đảm bảo khả năng trả nợ. Gha-na đánh giá rủi ro dựa trên đánh giá người, tổ chức đề nghị cấp bảo lãnh và cho vay lại, không đánh giá rủi ro dự án bảo lãnh và cho vay lại. Riêng Úc thì tập trung vào vấn đề công khai, minh bạch thông tin về cấp bảo lãnh. Tất cả các nước này đều coi nghĩa vụ nợ dự phòng là thuộc về trách nhiệm của ngân sách nhà nước.

 Đại diện của IMF cũng khẳng định trong thời gian tới IMF sẽ tiếp tục hỗ trợ kỹ thuật và chia sẽ kinh nghiệm với Bộ Tài chính về công tác quản lý nợ công nói chung và công tác quản lý rủi ro cho vay lại và bảo lãnh Chính phủ nói riêng.

 

Phạm Thị Hồng Vân

CÁC TIN KHÁC