Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong giải ngân đối với các dự án sử dụng nguồn vốn vay Ngân hàng Thế giới của các Bộ ngành trung ương

11:04 AM 30/10/2020 |  Lượt xem: 3256 |  In bài viết |    Đọc bài viết send email  Gửi góp ý

Toàn cảnh hội nghị tại điểm cầu trụ sở Bộ Tài chính.

Tham dự hội nghị tại điểm cầu Trụ sở Bộ Tài chính còn có đại diện Bộ Giao thông vận tải; Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bộ Tài nguyên và Môi trường; Bộ Xây dựng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Bộ Y tế, đại điện các đơn vị thuộc Bộ Tài chính cùng đại diện các địa phương tại các điểm cầu.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Trần Xuân Hà cho biết, nguồn vốn vay của WB là một trong những nguồn vay chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng nguồn nước ngoài của Việt Nam. Vì vậy, Thứ trưởng đề nghị các bộ, ngành, địa phương nêu rõ khó khăn vướng mắc, kiến nghị, giải pháp để đẩy nhanh tiến độ triển khai và giải ngân các dự án sử dụng nguồn vốn vay WB.

Riêng đối với các Bộ ngành trung ương, đại diện các bộ: Bộ Giao thông vận tải, Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bộ Tài nguyên và Môi trường; Bộ Xây dựng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có báo cáo chi tiết tình hình thực hiện giải ngân vốn vay WB do Bộ mình quản lý; nêu những khó khăn, vướng mắc gặp phải trong quá trình triển khai các dự án WB như: Tác động của đại dịch Covid-19 nên các chuyên gia, nhân công, nhà thầu nước ngoài không thể nhập cảnh tại Việt Nam, các hợp đồng tư vấn, thiết bị nhập khẩu cũng không thể thực hiện được nên không thể giải ngân. Riêng đối với các dự án thuộc lĩnh vực giáo dục và đào tạo, do đại dịch covid-19 nên không thể tổ chức các hoạt tập huấn, bồi dưỡng theo thiết kế dự án. Ngoài ra, do một số dự án có thời gian chuẩn bị lâu nên đến khi triển khai có nhiều nọi dung đã tha đổi về thiết kế dự án, về công nghệ áp dụng….dẫn đến thời gian thực hiện kéo dài phải báo cáo sửa đổi chủ trương đầu tư và sửa đổi hiệp định vay. Các dự án của WB có thiết kế tương đối phức tạp, Trung ương và nhiều địa Phương hoặc 1 Bộ chủ quản và 3-4 khác là chủ quản dự án thành phần nên việc triển khai hiệp định khó khăn. Việc cấp ý kiến phản đổi đối với việc chấm thầu, xét thầu phê duyệt gói thầu của WB trong một số trường hợp còn chậm. Một số dự án giải ngân theo phương thức tài trợ dựa trên kết quả (P4R), việc kiểm đếm chậm dẫn đến thanh toán giải ngân chậm. Các dự án có cho vay lại đơn vị sự nghiệp công lập có thời gian thẩm định tài sản bảo đảm lâu cũng dẫn tới ảnh hưởng đến việc giải ngân của dự án. Đối với các dự án phải thực hiện giải phóng mặt bằng thì phụ thuộc vào tiến độ giải phóng mặt bằng ở các địa phương, việc bố trí vốn đối ứng để giải phóng mặt bằng ở địa phương không cân đối với tiến độ giải ngân phần vốn ODA.

Đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo phát biểu tại Hội nghị.

Đồng thời, các Bộ ngành cũng đưa ra các kiến nghị, đề xuất Chính phủ, Bộ Tài chính và nhà tài trợ xem xét, hỗ trợ công tác giải ngân vốn vay WB từ nay đến cuối năm.

Đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường phát biểu tại Hội nghị.

Phát biểu tại hội nghị, bà Carolyn Turk, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho biết, phía WB nỗ lực hết sức để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhằm đẩy nhanh giải ngân các dự án do WB hỗ trợ. Bà Carolyn Turk cũng đã làm rõ các nội dung về gia hạn dự án; phân bổ nguồn lực cho các hoạt động có tính chất thường xuyên; quy trình, thủ tục mua sắm, đấu thầu, chấm thầu, phê duyệt gói thầu; giải phóng mặt bằng, tái định cư, thiết kế, đánh giá lập nghiên cứu khả thi...

Đại diện WB cho biết, WB sẽ tiếp tục có các buổi làm việc sâu hơn với các cơ quan chuyên môn để thảo luận kỹ hơn các nội dung và đưa ra giải pháp cụ thể nhằm tháo gỡ khó khăn trong giải ngân nguồn vốn vay của WB.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà ghi nhận sự nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương thực hiện giải ngân vốn vay WB trong 9 tháng đầu năm, đồng thời khẳng định trách nhiệm của các cơ quan chủ quản, chủ dự án trong việc có khối lượng cho giải ngân, đặc biệt là các dự án kết thúc trong năm 2020 và năm 2021. Thứ trưởng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thúc đẩy giải ngân vốn vay cho các dự án đầu tư thông qua thực hiện các hợp đồng để có khối lượng cho giải ngân vì thời gian còn lại của năm 2020 không còn nhiều, khối lượng phải có trước ngày 31/12/2020. Trường hợp các dự án đã cắt giảm kế hoạch vốn năm 2020, cần tính toán phần đã được bố trí giai đoạn 2016-2020, số giải ngân thực tế để đưa vào bổ sung kế hoạch vốn giai đoạn 2021-2025 và năm 2021, 2022 đảm bảo đủ kinh phí để thực hiện dự án theo cam kết tại hiệp định vay.

Trường hợp có điều chỉnh chủ trương đầu tư, các Bộ ngành cần phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện sớm báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định, trên cơ sở đó phối hợp với Bộ Tài chính để thực hiện các thủ tục sửa đổi hiệp định vay (nếu cần thiết) đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật ngân sách nhà nước, Luật Quản lý nợ công và Chỉ thị số 18/CT-TTg ngày 29/6/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài trong tình hình mới cho chi đầu tư phát triển, không vay cho chi thường xuyên.

Trong phạm vi trách nhiệm của mình, Bộ Tài chính đã chỉ đạo các đơn vị cùng sớm hoàn tất các công việc, thực hiện kiểm soát chi trong vòng 03 ngày làm việc, giải quyết đơn rút vốn trong vòng 01 ngày làm việc nếu đủ hồ sơ hợp lệ. Bộ Tài Chính sẽ tiếp thu các ý kiến, đề xuất của các bộ, ngành, địa phương và trình Chính phủ để có hướng chỉ đạo phù hợp.

Nguyễn Thị Thu Huyền

CÁC TIN KHÁC