Diễn đàn quản lý nợ Châu Á năm 2019

05:37 PM 03/06/2019 |  Lượt xem: 5100 |  In bài viết |    Đọc bài viết send email  Gửi góp ý

Từ ngày 21 - 23 tháng 5 năm 2019, Ngân hàng Phát triển châu Á phối hợp với Bộ Tài chính Cộng hòa A-Déc-Bai-Dan tổ chức Diễn đàn Quản lý nợ công châu Á tại thành phố Ba-Cu, nước Cộng hòa A-Déc-Bai-Dan. Phó Chủ tịch Ngân hàng Phát triển Châu á (ADB), bà Ingrid van Wees và Bộ trưởng Bộ Tài chính Cộng hòa A-Déc-Bai-Dan Samir Sharifov chủ trì diễn đàn cùng với các chuyên gia của ADB và chuyên gia khách mời.

Diễn đàn Quản lý nợ công châu Á là diễn đàn do ADB chủ trì tổ chức thường kỳ nhằm thảo luận các vấn đề về công tác quản lý nợ công, những thách thức trong quản lý nợ công đối với các quốc gia khu vực châu Á; đồng thời tạo cơ hội cho các quốc gia chia sẻ kinh nghiệm trong quản lý nợ công đảm bảo an toàn, bền vững cũng như đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng bền vững.

Tham dự Diễn đàn Quản lý nợ công châu Á năm 2019 gồm trên 60 đại biểu đại diện các cơ quan quản lý nợ, các ngân hàng trung ương của 31 quốc gia và vùng lãnh thổ thuộc châu Á, từ Trung Quốc, Hàn Quốc, đến các quốc gia, các đảo thuộc Thái Bình Dương. Theo lời mời của Ban tổ chức Diễn đàn, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cử 02 đại diện tham dự và thảo luận tại Diễn đàn.

Thành cổ Ba-Cu, Cộng hòa A-Déc-Bai-Dan

Trong 03 ngày Diễn đàn, các chuyên gia của ADB, chuyên gia khách mời đã trình bày, thảo luận các vấn đề chung về triển vọng, thách thức về kinh tế vĩ mô, tăng trưởng toàn cầu và châu Á, những thách thức đối với công tác quản lý nợ công cũng như các vấn đề cụ thể về quản lý nợ công từ công tác xây dựng chiến lược, kế hoạch quản lý nợ công, công tác huy động vốn vay nợ công, giám sát quản lý nợ công đến các vấn đề cụ thể về phát triển thị trường vốn trong nước, tiếp cận thị trường vốn quốc tế và việc sử dụng các công cụ phân tích, dự báo và đánh giá bền vững nợ công đối với các quốc gia.

Về tình hình kinh tế và triển vọng tăng trưởng toàn cầu, Diễn đàn đã thảo luận về những yếu tố đang và sẽ tiếp tục tác động đến kinh tế toàn cầu cũng như với khu vực châu Á, trong đó nhấn mạnh tác động của việc Anh rời Liên minh châu Âu, tác động của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, việc điều chỉnh lãi suất trái phiếu chính phủ Mỹ, tình hình kinh tế Trung Quốc và tác động đến thương mại, tài chính và tăng trưởng toàn cầu.

Diễn đàn cũng đã thảo luận sôi nổi về những vấn đề, thách thức đặt ra đối với công tác quản lý nợ công của các quốc gia, cụ thể đối với các quốc gia châu Á trong bối cảnh kinh tế toàn cầu nhiều biến động, nợ công ở các nước đã ở mức cao, thâm hụt ngân sách và nhu cầu đầu tư còn lớn trong khi thị trường vốn trong nước còn chưa phát triển. Đại diện các cơ quan quản lý nợ các quốc gia đã tham gia chia sẻ kinh nghiệm của mình về những khó khăn, những biện pháp giải quyết đảm bảo thực hiện chính sách vay nợ công hiệu quả, bền vững.

Việc tham dự diễn đàn lần này là cơ hội tốt để một mặt cập nhật tình hình kinh tế vĩ mô, những vấn đề kinh tế toàn cầu và khu vực nói chung và đối với công tác quản lý nợ nói riêng. Đây cũng là cơ hội để chia sẻ và học hỏi kinh nghiệm rất đa dạng của các quốc gia thành công và các quốc gia còn gặp nhiều thách thức trong công tác quản lý nợ công trong khu vực châu Á.

Nguyễn Trọng Nghĩa

CÁC TIN KHÁC