Cập nhật một số nội dung mới về quản lý nợ cho các phóng viên báo chí

09:57 AM 01/12/2020 |  Lượt xem: 3188 |  In bài viết |    Đọc bài viết send email  Gửi góp ý

Toàn cảnh Hội nghị

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại Trương Hùng Long cho biết, trong 30 năm trở lại đây, mục tiêu quản lý nợ của nhiều nước đã bắt đầu thay đổi. Tại Việt Nam, quan điểm quản lý nợ công cũng đã thay đổi rõ ràng bằng việc ban hành Luật Quản lý nợ công. Cụ thể, giai đoạn sau khi có Luật Quản lý nợ công 2009, tốc độ tăng nợ công giảm dần, từ mức trung bình 18,1%/năm giai đoạn 2011-2015 xuống còn khoảng 7,4%/năm giai đoạn 2016-2020. Nếu như trước kia, mục tiêu quản lý nợ công chỉ là tối ưu thì bây giờ đã chuyển thành đa mục tiêu, không những huy động chi phí thấp, mà còn phải kiểm soát được nợ hợp lý, đảm bảo an toàn nợ và hiệu quả sử dụng nguồn vốn vay, cũng như phát triển thị trường nợ trong nước…

Cục trưởng Trương Hùng Long nhấn mạnh, giai đoạn hiện nay vốn đầu tư đã chiếm 34% GDP, trong đó vốn đầu tư của nhà nước là 15-20%. Như vậy là đầu tư nhà nước cao nhưng chủ yếu vào cơ sở hạ tầng. Trong bối cảnh không có tích luỹ nhưng vẫn phải đầu tư thì buộc phải tiếp tục đi vay. Cùng với vay, Nhà nước còn huy động vốn để đảo nợ. Đây là lý do vì sao mà nợ công vẫn rất quan trọng với mỗi quốc gia. Nhà nước sẽ chỉ không phải đi vay nợ nếu NSNN bội thu. Mặt khác, trong bối cảnh tốt nghiệp IDA, hầu hết các nhà tài trợ song phương đã chuyển sang các khoản vay sát thị trường, nhiều khoản vay hiện nay đã chuyển sang hình thức hỗn hợp. Theo tính toán, các nhà tài trợ sẽ hạn chế dần khoản vay ưu đãi. Như vậy việc sử dụng như thế nào nguồn vốn vay sẽ phải được tính toán kỹ. Nhu cầu đầu tư tăng trong khi nguồn đầu tư trong nước có hạn, nhà cho vay cũng có hạn thì phải tính tới việc tham gia mạnh hơn vào thị trường công cụ nợ, bao gồm cả công cụ nợ trong nước và quốc tế, tức là phát triển thị trường trái phiếu.

Cục trưởng Trương Hùng Long phát biểu tại Hội nghị

Tại Hội nghị các diễn giả đến từ Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại đã cung cấp cho phóng viên các cơ quan báo chí những kiến thức về về lĩnh vực quản lý nợ công và một số chủ đề nghiệp vụ về quản lý nợ công. Theo bà Dương Quỳnh Lê, Trưởng phòng kế hoạch và quản lý rủi ro (Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại), mục tiêu của quản lý nợ công nhằm đảm bảo nhiệm vụ huy động vốn vay để đáp ứng nhu cầu cân đối NSNN và phát triển kinh tế - xã hội với mức độ chi phí - rủi ro phù hợp; kiểm soát chặt chẽ các chỉ tiêu an toàn nợ được cấp có thẩm quyền phê duyệt trong từng thời kỳ; thúc đẩy sự phát triển của thị trường vốn trong nước. Về nguyên tắc quản lý nợ công là để kiểm soát chặt chẽ các chỉ tiêu an toàn nợ công, bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững và ổn định kinh tế vĩ mô… Ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Trưởng phòng đa phương (Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại) chia sẻ tại Hội nghị các nội dung về huy động vốn vay của Chính phủ; sử dụng vốn vay của Chính phủ; một số vấn đề về quản lý vay, trả nợ của chính quyền địa phương; về quản lý cho vay lại vốn vay nước ngoài….

Phần trao đổi, thảo luận giữa phóng viên cơ quan báo chí và đại diện Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại

Bên cạnh các nội dung trên, Hội nghị cũng dành thời gian để các phóng viên trao đổi, thảo luận với đại diện Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại và các chuyên gia. Chương trình thảo luận diễn ra sôi nổi, nhận được sự quan tâm của đông đảo các phóng viên các cơ quan báo chí. Theo đó, các phóng viên đã đặt gần 15 câu hỏi liên quan tới các vấn đề như:  Đại dịch Covid-19 có làm gia tăng nợ công, thay đổi cơ cấu nợ, hay bất kỳ tác động nào khác không?; Giảm thu NSNN có ảnh hưởng đến nghĩa vụ trả nợ?; Để đảm bảo trả nợ thì NSNN sẽ lấy từ nguồn nào?; Dự định của Bộ Tài chính trong chiến lược nợ công sắp tới là gì để giải quyết “mục tiêu kép” vừa có vốn để phát triển, vừa quản lý trả nợ hiệu quả?; Sau khi sử dụng GDP đánh giá lại, tỷ lệ nợ công giảm nhưng có ý kiến cho rằng sức ép nợ công vẫn không giảm mà có xu hướng gia tăng?... Các vấn đề này đã được lãnh đạo Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại cùng chuyên gia Nguyễn Trọng Nghĩa chia sẻ và trao đổi với các phóng viên cơ quan báo chí.

Các đại biểu tham dự Hội nghị chụp ảnh lưu niệm

Kết thúc Hội nghị, các phóng viên đều ghi nhận chương trình cập nhật các nội dung mới về quản lý nợ là vô cùng hữu ích. Hội nghị đã giúp các phóng viên hiểu sâu hơn các lĩnh vực nợ công và công tác quản lý nợ của Việt Nam. Trên cơ sở các nội dung được chia sẻ tại Hội nghị sẽ giúp phóng viên có những bài viết truyền tải đúng về lĩnh vực quản lý nợ công tới đông đảo độc giả. Các phóng viên báo chí cũng bày tỏ mong muốn Bộ Tài chính nói chung và Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại nói riêng sẽ thường xuyên có những lớp cập nhật kiến thức cho các phóng viên báo chí về cơ chế, chính sách mới trong thời gian tới.

Trương Thùy Vân

CÁC TIN KHÁC