Tọa đàm với 6 Ngân hàng phát triển về thúc đẩy giải ngân vốn ODA, vay ưu đãi nước ngoài năm 2019

04:33 PM 14/06/2019 |  Lượt xem: 4423 |  In bài viết |    Đọc bài viết send email  Gửi góp ý

Ảnh: Toàn cảnh buổi Tọa đàm

Phát biểu khai mạc buổi Tọa đàm, ông Trương Hùng Long cho biết với tổng vốn đã cam kết chưa giải ngân của 6 ngân hàng phát triển lên tới gần 17 tỷ USD, việc thúc đẩy giải ngân các chương trình, dự án tài trợ bằng vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài của 6 NHPT sẽ đóng góp quan trọng cho giải ngân vốn đầu tư công, góp phần cho tăng trưởng kinh tế và đảm bảo việc sử dụng vốn vay nước ngoài được hiệu quả. Đồng thời ông cũng khẳng định quyết tâm của mình trong việc đẩy nhanh tốc độ của nguồn vốn vay ODA và vay ưu đãi.

Ảnh: Ông Trương Hùng Long - Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại phát biểu khai mạc tuổi Tọa đàm

5 tháng đầu năm 2019, tỷ lệ giải ngân vốn vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài đạt 23,84%

Báo cáo tại buổi tọa đàm, ông Hoàng Hải - Phó Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại đã đánh giá tình hình giao và phân bổ kế hoạch vốn vay năm 2019, đánh giá tình hình thực hiện giải ngân trong 5 tháng đầu năm. Ông Hải cho biết, tính đến thời điểm 31/5/2019, lũy kế giải ngân vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài 5 tháng đầu năm 2019 là 1.120 triệu USD, trong đó giải ngân đối với 06 NHPT là 811 triệu USD. Tuy nhiên, so với kế hoạch vốn vay ODA, vay ưu đãi nước năm 2019 được giao thì tỷ lệ giải ngân vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài 05 tháng đầu năm 2019 vẫn rất thấp, đạt khoảng 23,84% so với kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao, trong đó giải ngân vốn chi đầu tư phát triển đạt khoảng 6,2%; vốn chi thường xuyên đạt khoảng 11%; vốn cho vay lại đạt khoảng 18,8% và giải ngân hỗ trợ ngân sách đạt khoảng 76% so với kế hoạch vốn được giao năm 2019.

Ông Hải cho biết thêm, hiện nay mới có 5 bộ ngành và 15 địa phương trong tổng số 70 bộ ngành và địa phương được giao kế hoạch vốn đầu tư công 2019 làm thủ tục giải ngân với Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại.

 

Ông Hoàng Hải - Phó Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại trình bày tình hình thực hiện, nguyên nhân và giải pháp

Làm rõ những nguyên nhân, vướng mắc ảnh hưởng tiến độ giải ngân vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài

Báo cáo tại buổi tọa đàm, ông Hải đã phân tích rất chi tiết các nhóm nguyên nhân làm chậm trễ tiến độ giải ngân bao gồm: (1) nhóm nguyên nhân về phân bổ Kế hoạch trung hạn và phân bổ kế hoạch hàng năm; (2) nhóm nguyên nhân về thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư; (3) thủ tục điều chuyển, điều chỉnh, bổ sung kế hoạch vốn trong năm. Ngoài ra, còn có các nguyên nhân do dự án chưa hoàn thành thủ tục vay lại, các vấn đề tồn tại ở khâu kiểm soát chi, khâu rút vốn, thủ tục phía nhà tài trợ, quy định về chuyển nguồn, hạch toán ghi thu ghi chi. Theo ông Hải, nguyên nhân về kế hoạch vốn là nguyên nhân lớn nhất tác động tới tỷ lệ giải ngân, theo đó đến thời điểm cuối tháng 5/2019 gần 40% kế hoạch vốn đầu tư phát triển chưa được giao.

02 nhóm giải pháp lớn

Xuất phát từ các nhóm nguyên nhân trên, Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại đề xuất triển khai các giải pháp theo hai nhóm như sau:

Thứ nhất, các cơ quan quản lý Nhà nước về ODA và vốn vay ưu đãi có trách nhiệm thường xuyên theo dõi, cập nhật để có những điều chỉnh thể chế kịp thời phù hợp với từng giai đoạn. Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện giao dự toán đầy đủ, đúng thời gian Luật đã quy định, giao sát nhu cầu thực tế, có cơ chế linh hoạt hơn trong việc điều chỉnh, điều chuyển kế hoạch vốn nội bộ, nghiên cứu cơ chế thông thoáng hơn vấn đề chuyển nguồn vốn ODA, vay ưu đãi. Các cơ quan chủ quản khẩn trương hoàn thiện các thủ tục ký hợp đồng cho vay lại, chủ động và đảm bảo các điều kiện liên quan đến công tác tổ chức bộ máy và năng lực quản lý của chủ dự án và Ban QLDA; bố trí đầy đủ và kịp thời vốn đối ứng; thực hiện tốt công tác đền bù, GPMB và tái định cư…Cơ quan được ủy quyền cho vay lại đảm bảo bố trí đủ nhân lực để đáp ứng yêu cầu thẩm định tại Nghị định số 97, hướng dẫn cụ thể cho đơn vị về danh mục hồ sơ.

Thứ hai, các giải pháp trong nội bộ Bộ Tài chính bao gồm rà soát cơ chế chính sách nhằm xử lý các vướng mắc trong thời gian vừa qua như ban hành Thông tư thay thế Thông tư số 111/2016/TT-BTC, tham gia ý kiến với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để sửa đổi Nghị định số 16/2016/NĐ-CP và Nghị định số 132/2018/NĐ-CP sau khi Luật đầu tư công sửa đổi được Quốc hội thông qua; thường xuyên trao đổi với chủ dự án và nhà tài trợ để nắm chắc tiến độ dự án và các vướng mắc phát sinh; phối hợp chặt chẽ với Cơ quan cho vay lại đối với thủ tục thẩm định; rà soát quy trình giải ngân, rút vốn và tăng cường năng lực cho Ban quản lý dự án, thiết kế các lớp huấn luyện theo chuyên đề.

Ảnh: Các nhà tài trợ trao đổi tại buổi Tọa đàm

Ảnh: Các đại biểu trao đổi tại buổi Tọa đàm

Hội nghị đã lắng nghe nhiều ý kiến đóng góp từ đại diện của 06 NHPT và đại diện của Kho bạc nhà nước. Theo đó, các vướng mắc chủ yếu liên quan tới thủ tục trình tự đầu tư xây dựng cơ bản, thủ tục giao kế hoạch vốn, tiến độ phân bổ vốn chậm và cơ chế điều chỉnh, điều chuyển chưa linh hoạt, các thay đổi trong cơ chế chính sách gần đây của Chính phủ đã ảnh hưởng nhiều đến tỷ lệ giải ngân của các dự án sử dụng vốn ODA và vay ưu đãi nước ngoài… Theo ông Eric Sidgwick - Giám đốc quốc gia của ADB tại Việt Nam và ông Achim Fock – Giám đốc điều phối hoạt động dự án Văn phòng Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam thì giải pháp không phải chỉ ở riêng Bộ Tài chính mà cần phải có sự quyết tâm cao, phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan có liên quan để thực hiện giải ngân vốn đầu tư từ khâu chuẩn bị tới thực hiện để cải thiện tình hình giải ngân năm 2019 và các năm tiếp theo. Nhà tài trợ sẵn sàng phối hợp, chia sẻ các nghiên cứu, đánh giá, dự báo giải ngân để hỗ trợ Chính phủ.  

Kết luận hội nghị, ông Trương Hùng Long, Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại mong các nhà tài trợ 06 NHPT sẽ tiếp tục đồng hành, phối hợp với Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại, các đơn vị liên quan của Bộ Tài chính thúc đẩy các giải pháp rốt ráo để cải thiện tình hình giải ngân bao gồm:

Thứ nhất là triển khai hướng dẫn Luật Đầu tư công đảm bảo thông thoáng và sát thực tiễn. Ví dụ, có thể kiến nghị Chính phủ đưa vào Nghị định sửa đổi Nghị định số 16/2016/NĐ-CP và Nghị định số 132/2018/NĐ-CP về các mốc thời gian trong công tác phân bổ, phân khai và điều chỉnh kế hoạch Đồng thời, hỗ trợ Bộ Tài chính cũng như các cơ quan liên quan rà soát là cơ chế chính sách, nếu cần thiết có thể điều chỉnh.

Thứ hai, hỗ trợ Chính phủ trong công tác kết nối, chia sẻ hệ thống thông tin, hiện đại hóa công tác quản lý nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi thông qua thiết lập, triển khai và vận hành hệ thống thông tin quốc gia, gắn công tác quản lý đầu tư công với quản lý tài chính công và quản lý nợ công, cập nhật đầy đủ và kịp thời thông tin ở tất cả các khâu từ khâu xây dựng, đề xuất dự án, phê duyệt dự án đến khâu đàm phán, ký kết hiệp định, giám sát và đánh giá dự án, tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm nguồn vốn nước ngoài.

Tiếp theo buổi Tọa đàm này, Bộ Tài chính dự kiến sẽ tổ chức tổ chức hội nghị về thúc đẩy giải ngân vốn ODA, vay ưu đãi nước ngoài năm 2019 với các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan chủ quản, chủ dự án để thảo luận sâu hơn trách nhiệm của các bên trong vấn đề về thủ tục, quy trình giải ngân vốn ODA, vay ưu đãi nước ngoài.

Việc đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu giải ngân 100% kế hoạch vốn ODA, vay ưu đãi nước ngoài là một trong những giải pháp tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng năm 2019. Do vậy, những nội dung tại “Hội nghị Tọa đàm đàm với 6 Ngân hàng phát triển về thúc đẩy giải ngân vốn ODA, vay ưu đãi nước ngoài năm 2019” sẽ góp phần giúp các bộ, ngành, địa phương cùng nhau tháo gỡ khó khăn, qua đó thúc đẩy tiến độ giải ngân vốn đầu tư những tháng cuối năm 2019./.

Nguyễn Thị Thu Huyền

CÁC TIN KHÁC