Đàm phán Hiệp định vay Ngân hàng Phát triển Châu Á cho Chương trình Đầu tư phát triển mạng lưới y tế cơ sở vùng khó khăn

02:57 PM 18/01/2019 |  Lượt xem: 3628 |  In bài viết |    Đọc bài viết send email  Gửi góp ý

Được sự ủy quyền của Chủ tịch nước tại công văn số 2058/QĐ-CTN ngày 13/11/2018 về việc cho phép đàm phán Hiệp định vay và Hiệp định viện trợ không hoàn lại giữa nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) cho Chương trình Đầu tư phát triển mạng lưới y tế cơ sở vùng khó khăn, Bộ Tài chính đã ký Thư ngày 13/11/2018 gửi ADB đề nghị ADB chuyển thảo luận kỹ thuật các tài liệu của Dự án gồm Hiệp định vay, Hiệp định viện trợ không hoàn lại ngày 3/11/2018 đối với Chương trình thành đàm phán chính thức.

Ngày 13/11/2018, Ông Hoàng Hải, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại, Trưởng đoàn đàm phán liên ngành và đại diện của ADB đã ký Biên bản đàm phán cho Dự án nói trên.

Chương trình Đầu tư phát triển mạng lưới y tế cơ sở vùng khó khăn  được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định số 1467QĐ-TTg ngày 2/11/2018 theo đó tổng vốn đầu tư là 110,6 triệu USD, trong đó vốn vay ADB trị giá 88,6 triệu USD, viện trợ không hoàn lại của ADB là 12 triệu USD, vốn đối ứng tương đương 10 triệu USD. Cơ chế tài chính dự án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là: (i) Đối với phần vốn vay ADB: thực hiện theo phương thức hòa đồng ngân sách nhà nước để thực hiện nội dung số 7, thành phần 2 về phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội trong Chương trình MTQG về nông thôn mới giai đoạn 2016-2020; ngân sách nhà nước cấp phát cho các tỉnh và Bộ Y tế khi tham gia Chương trình theo cơ chế của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; (ii) Đối với khoản viện trợ không hoàn lại: ngân sách nhà nước cấp phát cho Bộ Y tế; (iii) đối với vốn đối ứng khoảng 10 triệu USD do Bộ Y tế và các địa phương bố trí từ ngân sách địa phương và Bộ Y tế.

Mục tiêu của Dự án là để (i) Đầu tư xây dựng, cải tạo và nâng cấp cơ sở hạ tầng, cung cấp trang thiết bị cho các trạm y tế xã, trong đó ưu tiên các xã miền núi, vùng sâu, vùng xa, xã hải đảo, các xã thuộc vùng khó khăn và đặc biệt khó khăn để các trạm y tế xã này có đủ số lượng, chất lượng nhân lực hoạt động theo nguyên lý học gia đình, thực hiện các nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, quản lý hồ sơ sức khỏe, theo dõi quản lý và điều trị một số bệnh không lây nhiễm như tim mạch, huyết áp, đái tháo đường, hen phế quản, chăm sóc giảm nhẹ người bệnh ung thư, một số bệnh mạn tính….; (ii) Tăng cường năng lực hoạt động của TYTX để thực hiện toàn diện nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, giúp giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên (sử dụng vốn viện trợ); (iii) Đổi mới cơ chế tài chính, nhân lực và quản lý (sử dụng vốn viện trợ).

Khoản vay nguồn vốn ADB sẽ góp phần tăng cường năng lực cho tuyến y tế cơ sở để hướng tới mục tiêu bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân, góp phần bảo đảm cung ứng đầy đủ các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, khám bệnh, chữa bệnh cho từng người dân trên địa bàn, cung ứng dịch vụ theo hướng toàn diện, liên tục, phối hợp và lồng ghép chặt chẽ giữa dự phòng và điều trị giữa các cơ sở y tế trên địa bàn và với tuyến trên, góp phần giảm quá tải cho các bệnh viện tuyến trên, bảo đảm công bằng, hiệu quả trong công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.

Bộ Tài chính đang làm thủ tục báo cáo Chính phủ về kết quả đàm phán. Dự kiến Hiệp định vay được ký kết và triển khai trong năm 2019.

Lê Thanh Huệ

CÁC TIN KHÁC