Trên cơ sở rà soát các hạng mục công việc và số vốn vay JICA còn lại, Bộ Giao thông vận tải đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ đề nghị được sử dụng vốn dư phần vay JICA để phục vụ cho việc đầu tư bổ sung 02 đơn nguyên cầu đô thị và tổ chức giao thông nút giao Mai Dịch.
Ngày 6/1/2022, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh đã ký ban hành Quyết định số 7/QĐ-TTg về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án "Đầu tư xây dựng cầu cạn đoạn Mai Dịch - Nam Thăng Long thuộc vành đai 3 Thành phố Hà Nội" sử dụng vốn vay hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) Nhật Bản. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ đồng ý bổ sung hạng mục “Xây dựng 2 đơn nguyên cầu đô thị và tổ chức giao thông nút giao Mai Dịch”. Cụ thể, 2 đơn nguyên cầu đô thị được xây dựng theo hướng đường Phạm Hùng – Phạm Văn Đồng với chiều dài tuyến khoảng 2,1km và trong phạm vi 0,32km của nút giao theo hướng đường Xuân Thủy – Hồ Tùng Mậu.
Tại Báo cáo điều chỉnh chủ trương đầu tư bổ sung hạng mục Dự án của Ban Quản lý Dự án Thăng Long (Bộ Giao thông vận tải) nêu rõ cơ cấu nguồn vốn dự kiến dành cho các hạng mục bổ sung là 348,456 tỷ đồng, trong đó vốn vay JICA là 291,703 tỷ đồng, vốn đối ứng là 56,753 triệu đồng.
Vành đai 3 trên cao, điểm xuống KĐT Nam Thăng Long – Ciputra Hanoi
Về dự kiến tiến độ và kế hoạch thực hiện, thời gian thực hiện dự kiến hạng mục bổ sung là từ Quý II/2021 đến Quý IV/2024, cụ thể thủ tục điều chỉnh chủ trương và phê duyệt điều chỉnh dự án đầu tư đã được hoàn thành trong tháng 1 năm 2022. Chủ đầu tư là Bộ Giao thông vận tải dự kiến công tác phê duyệt thiết kế kỹ thuật, dự toán sẽ được thực hiện trong Quý I và Quý II/2022; thủ tục đối với nhà thầu tư vấn, xây lắp sẽ được hoàn thành trong Quý III/2022. Thời gian xây dựng công trình sẽ kéo dài từ Quý IV/2022 đến Quý I/2024.
Hiện tại, Dự án đã được khai thác phần cầu cạn chính tuyến từ tháng 10/2020. Trong đó, cầu vượt nút giao Mai Dịch sẽ là một phần của đường cao tốc trên cao và chỉ phục vụ cho các dòng xe cơ giới chạy thẳng theo tuyến cầu cạn Mai Dịch – Nam Thăng Long. Dự án được kỳ vọng sẽ giảm nguy cơ ùn tắc, nâng cao hiệu quả khai thác của các tuyến đường cao tốc, đáp ứng nhu cầu vận tải ngày một tăng nhanh của giao thông đô thị Hà Nội, giảm xung đột giao thông, đảm bảo an toàn cho người và phương tiện lưu thông. Do đó, việc nghiên cứu cải tạo, tổ chức giao thông nút giao Mai Dịch đồng bộ với dự án đầu tư xây dựng cầu cạn đoạn Mai Dịch - Nam Thăng Long theo hướng bổ sung 02 đơn nguyên cầu vượt đô thị chạy dọc hai bên cầu vượt Mai Dịch để tách biệt các làn xe cơ giới lưu thông trong nội đô qua nút với các dòng xe ô tô lưu thông theo tuyến đường cao tốc trên cao là hết sức cần thiết và có ý nghĩa về mặt kinh tế - xã hội.
Phương tiện tham gia lưu thông ở vành đai 3 trên cao