Họp trực tuyến đánh giá tình hình thực hiện Dự án Chương trình cải cách giáo dục kỹ thuật và đào tạo nghề - Trung tâm giáo dục kỹ thuật và đào tạo nghề xanh chất lượng cao, sử dụng vốn vay Kfw

10:12 AM 18/10/2021 |  Lượt xem: 4383 |  In bài viết |    Đọc bài viết send email  Gửi góp ý

Toàn cảnh cuộc họp trực tuyến

Ngày 27/9/2021, Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại đã chủ trì họp với Trường Cao đẳng Cơ giới và Thủy lợi – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhằm đánh giá tình hình thực hiện trong 9 tháng đầu năm 2021 và dự kiến cả năm 2021 của Dự án Chương trình cải cách giáo dục kỹ thuật và đào tạo nghề - Trung tâm giáo dục kỹ thuật và đào tạo nghề xanh chất lượng cao, sử dụng vốn vay KfW.

A. Thông tin chung về dự án:

1. Thông tin chung:

- Tên dự án: “Chương trình cải cách giáo dục kỹ thuật và đào tạo nghề - Trung tâm giáo dục kỹ thuật và đào tạo nghề xanh chất lượng cao”.

- Mã dự án: BMZ - Số 2013 65 923

- Cơ quan chủ quản dự án: Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn

- Chủ dự án:  Trường Cao đẳng Cơ giới và Thủy lợi (VCMI). Địa chỉ liên lạc: Xã Hố Nai 3, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai.

- Nhà tài trợ: Ngân hàng Tái thiết (KfW) - Cộng hòa Liên bang Đức.

2. Mục tiêu

Xây dựng VCMI trở thành:

- Trung tâm tiêu biểu của Việt Nam thực hiện cải cách giáo dục kỹ thuật và đào tạo nghề dựa trên nhu cầu phát triển nền kinh tế Xanh bền vững.

- Cơ sở đào tạo nghề Xanh xuất sắc với 22 nghề chủ chốt: trong đó có 18 nghề đang đào tạo và mở thêm 04 nghề mới; tổng qui mô đào tạo các trình độ hàng năm đạt khoảng 5.500 học sinh sinh viên.

- Trung tâm xuất sắc nghiên cứu, đào tạo và chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật về phát triển và sử dụng năng lượng tái tạo (Điện gió, Pin mặt trời, Biogaz).

- Trung tâm dẫn đầu thực hiện nhiệm vụ đào tạo nghề cho doanh nghiệp; cùng với các doanh nghiệp xây dựng chương trình đào tạo song hành: giúp doanh nghiệp chủ động được nguồn nhân lực chất lượng cao, học sinh sinh viên có kỹ năng nghề cao, dễ tìm kiếm việc làm; nhà trường rút ngắn thời gian đào tạo, tiết kiệm nguyên vật liệu thực hành và giảm chi phí đào tạo.

- Cơ sở dẫn đầu của Việt Nam sử dụng các hệ thống năng lượng tái tạo trong tòa nhà trung tâm xanh; tích hợp các không gian xanh tạo cảnh quan môi trường thân thiện, với cây xanh, hồ nước sử dụng từ hệ thống thu gom và xử lý theo tiêu chuẩn.

- Là cơ sở tư vấn về dạy nghề Xanh thông qua chương trình đào tạo nguồn nhân lực có kỹ năng thân thiện với môi trường và sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên và năng lượng.

- Là cơ sở tư vấn cho cán bộ quản lý, giảng viên các cơ sở dạy nghề trên toàn quốc về mô hình đào tạo Xanh.

- Là đầu mối cho kết nối mạng lưới quốc gia và quốc tế về dạy nghề Xanh đặc biệt là các nước ASEAN.

3. Tổng mức đầu tư, thời gian thực hiện của dự án

- Tổng mức đầu tư Dự án là 11,375 triệu EUR tương đương 282.384,375 triệu VND (1 EUR = 24.825 VND – Tỷ giá hối đoái ngày 16 tháng 05 năm 2017), chi tiết khái toán như sau:

+ Vốn ODA

Tổng vốn ODA là 9,100 triệu EUR tương đương 225.907,500 triệu VND (chiếm 80% tổng số vốn toàn dự án).

+ Nguồn vốn đối ứng

Tổng vốn đối ứng là 2.275.000 EUR tương đương 56.476.875.000 VND (chiếm 20% tổng số vốn dự án). Trong đó: Vốn của Chính phủ cấp cho dự án thông qua Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Khoảng 2,083 triệu EUR tương đương 51.710.475.000 VND bằng tiền mặt; Vốn đối ứng của VCMI: VCMI cam kết đóng góp cho dự án khoảng 192,000 triệu EUR tương đương 4.766,400 triệu VND. Đóng góp chủ yếu không bằng tiền mặt, bao gồm: (i) phòng làm việc cho cán bộ dự án; (ii) lương cho cán bộ tham gia dự án; (iii) Chi phí cho Quy hoạch mặt bằng tổng thể và quá trình chuẩn bị dự án, chi khác.

- Thời gian thực hiện dự án: (2017 – 2023)

4. Cơ chế tài chính trong nước:

Theo quy định tại Thông tư 111/2016/TT-BTC ngày 30/06/2016 của Bộ Tài chính quy định về quản lý tài chính đối với chương trình dự án sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vay ưu đãi nước ngoài của nhà tài trợ. Đây là một dự án hỗn hợp bao gồm: (i) Xây dựng cơ bản, (ii) Cho vay lại, và (iii) Hành chính sự nghiệp. Phần lớn kinh phí của dự án được sử dụng cho mục tiêu đầu tư phát triển (97%) tập trung vào xây dựng Kết cấu hạ tầng và mua sắm trang thiết bị giảng dạy, phần chi phí thường xuyên chiếm một tỷ lệ nhỏ (3%), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất cơ chế tài chính cho dự án là “Dự án đầu tư phát triển”, vốn bố trí hàng năm thuộc nguồn vốn đầu tư phát triển.

- Dự án dự kiến sẽ được chia thành phần vốn phi tín dụng và vốn tín dụng

+ Vốn phi tín dụng (được cấp phát): trên 90% số vốn nước ngoài từ nguồn KfW và nguồn vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam. Nguồn vốn đối ứng này được cấp cho nhà trường thông qua kế hoạch ngân sách hàng năm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

+ Vốn tín dụng (cho vay lại): Dự kiến khoảng 10% vốn nước ngoài từ nguồn KfW (0,91 triệu Euro).

- Trị giá vay lại và phương thức cho vay lại:

Đồng tiền nhận vay lại: đồng Việt Nam.

Trị giá vay lại: VCMI vay lại 10% tổng vốn ODA tương đương 0,91 triệu EUR = 22.591 triệu VND. Giá trị thực tế vay lại sẽ theo số thực rút.

Trả lãi vay: Áp dụng theo điều 7 của Nghị định 78/2010/NĐ-CP ngày 14/07/2010 về việc cho vay lại nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ, cụ thể như sau:

Trả lãi vay: 0,75%/năm

Trả lãi vay do rủi ro tỷ giá: 7%/năm

Phí quản lý phải trả: 0,2%/năm

Phí cam kết vốn vay chưa giải ngân: 0,25%/năm

Tổng % lãi vay VCMI phải trả:          8,2%/ năm

Thời gian vay: 40 năm, 10 năm ân hạn, trả nợ trong 30 năm.

B. Tình hình phân bổ kế hoạch nguồn vốn nước ngoài năm 2021

Tổng số kế hoạch vốn năm 2021 được giao, phân khai và nhập TABMIS đến thời điểm báo cáo là 29,9 tỷ đồng/29,9 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch giao.

C. Tình hình giải ngân kế hoạch vốn nước ngoài năm 2021:

- Khối lượng hoàn thành đã được Kho bạc nhà nước kiểm soát chi: 26,456 tỷ đồng.

- Tổng số vốn năm 2021 đã giải ngân đến 20/9/2021 (số gửi đơn rút vốn đến Bộ Tài chính): 9,792 tỷ đồng. Trong đó: 9,556 tỷ đồng gửi rút vốn năm 2021 và 0,236 tỷ đồng đã gửi đơn rút vốn năm 2020 nhưng do chênh lệch tỷ giá.

- Tỷ lệ vốn giải ngân năm 2021 so với kế hoạch giao: 32,75%.

D. Nhận xét về khó khăn, vướng mắc:

- Khó khăn vướng mắc trong việc tổ chức dự án:

+ Có sự khác biệt về quy định của Việt Nam và Nhà tài trợ. Đặc biệt, từ đầu năm đến nay dịch Covid-19 kéo dài, diễn biến ngày càng phức tạp, chuyên gia tư vấn nước ngoài không thể qua Việt Nam để thực hiện công việc lập danh mục thiết bị, lập hồ sơ mời thầu gói thầu thiết bị cũng như trao đổi trực tiếp với chủ đầu tư mà chủ yếu là trao đổi qua thư điện tử nên việc thống nhất danh mục thiết bị gặp rất nhiều khó khăn. Việc ký hợp đồng gói thầu thiết bị vào tháng 11/2021 theo kế hoạch là không thể thực hiện được. Do đó sẽ không thể tạm ứng và thanh toán khối lượng cho nhà thầu theo kế hoạch.

+ Trường nằm trong khu vực phong toả, toàn bộ KTX HSSV của trường đang được trưng dụng làm Bệnh viện dã chiến số 05 của tình Đồng Nai để điều trị cho các bệnh nhân nhiễm Covid – 19 nên các chuyên gia tư vấn thực hiện dự án, công nhân xây dựng, tư vấn quản lý-giám sát, nhà thầu xây dựng cũng gặp rất nhiều khó khăn trong vấn đề thi công, đi lại, sinh hoạt và cung cấp vật tư xây dựng cho gói thầu xây lắp.

+ Do gói thiết bị không thể tạm ứng và thanh toán khối lượng cho nhà thầu theo kế hoạch nên ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân của gói tư vấn thực hiện dự án do gói tư vấn phụ thuộc vào tiền độ thực hiện của gói thiết bị.

- Các giải pháp Trường đã thực hiện:

+ Đối với gói thầu xây lắp: Đôn đốc nhà thầu thi công tập trung mọi nguồn lực, tranh thủ thời gian sau giãn cách đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành công trình trong năm 2021.

Hiện tại gói thầu xây lắp đến ngày 10/9/2021 đã nghiệm thu khối lượng hoàn thành đạt 90% giá trị gói thầu và Chủ đầu tư cũng đã làm hồ sơ gửi Kho bạc nhà nước Đồng Nai xác nhận. Sau khi có xác nhận của Kho bạc, chủ đầu tư sẽ gửi đơn đề nghị Bộ Tài chính rút vốn thanh toán cho nhà thầu với số vốn ODA là 13,182 tỷ đồng. Dự kiến sang tháng 10/2021 số vốn ODA giải ngân là 22,973 tỷ đồng, đạt 76,8% so với kế hoạch.

+ Đối với gói thiết bị: Đôn đốc và phối hợp với nhà thầu tư vấn tăng cường các buổi làm việc trực tuyến để hoàn thành việc trình và phê duyệt danh mục thiết bị, kế hoạch lựa chọn nhà thầu, hồ sơ mời thầu trong năm 2021 để có thể giải ngân một phần kinh phí của gói thầu tư vấn sau khi hồ sơ mời thầu được phê duyệt.

Đ. Đánh giá khả năng giải ngân và số vốn dự kiến giảm/ huỷ:

Trong bối cảnh dịch covid -19 vẫn còn diễn biến phức tạp nên cũng ảnh hưởng đến khả năng giải ngân đợt 3 của gói tư vấn thực hiện dự án. Số tiền dự kiến khó có thể giải ngân được khoảng 4,5 tỷ đồng.

E. Giải pháp và kiến nghị

- Kiến nghị với nhà tài trợ: Không

- Kiến nghị với cơ quan quản lý nhà nước (Bộ KHĐT, Bộ Tài chính...)

+ Đối với Bộ Tài chính: Tại thời điểm ký Hiệp định vay ngày 29/12/2017, tỷ giá quy đổi sang đồng Việt Nam của dự án là 24.825 VND/EUR. Trong quá trình thực hiện dự án, tỷ giá VND/EUR tăng liên tục, có thời điểm tăng đến 28.850 VND/EUR, nên tổng mức đầu tư của dự án tính bằng VND sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều. Theo tính toán của Trường, sau khi thực hiện gói thầu thiết bị (với tỷ giá hiện nay là 27.617 VND/EUR), nếu tính bằng đồng EUR, kinh phí dự án còn dư khoảng gần 1,2 triệu EUR; Tính bằng đồng Việt Nam thì kinh phí dự án chỉ còn khoảng hơn 8 tỷ VND. Vì vậy, đề nghị Bộ Tài chính xem xét có phương án hỗ trợ trường điều chỉnh tổng mức đầu tư của dự án tính bằng VND theo tỷ giá hiện nay để trường có đủ kinh phí thực hiện dự án và chi trả phát sinh chênh lệch tỷ giá trong thời gian tới.

Đại diện Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại đánh giá cao sự phối hợp chặt chẽ và nỗ lực của Ban Quản lý dự án trong thời gian qua nhằm đảm bảo triển khai hiệu quả dự án và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ. Đồng thời, đề nghị Ban Quản lý dự án tổng hợp các đề xuất gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp chung các khó khăn vướng mắc, gửi Bộ Tài chính để báo cáo cấp có thẩm quyền phương án xử lý trong thời gian sớm nhất nhằm mục tiêu thúc đẩy nguồn vốn đầu tư công nói chung và nguồn vốn vay KfW của Dự án nói riêng, thông qua đó thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế xã hội theo chỉ đạo của Chính phủ, đặc biệt trong tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp hiện nay.

Phạm Công Minh

CÁC TIN KHÁC