Đàm phán và ký kết Hiệp định vay Ngân hàng Phát triển Châu Á cho Dự án “Nâng cao hiệu quả sử dụng nước cho các tỉnh bị ảnh hưởng bởi hạn hán”

06:11 PM 18/01/2019 |  Lượt xem: 3724 |  In bài viết |    Đọc bài viết send email  Gửi góp ý

Để chuẩn bị cho đàm phán Dự án, ngày 30/08/2018, Đoàn đàm phán liên ngành gồm đại diện của Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Ngoại Giao, Bộ Tư pháp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân (UBND) các tỉnh tham gia Dự án gồm: Đắk Nông, Đắk Lắk, Ninh Thuận, Bình Thuận, Khánh Hòa và Bộ Tài chính do Ông Hoàng Hải, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính Đối ngoại - Bộ Tài chính làm Trưởng đoàn - đã tiến hành thảo luận kỹ thuật với ADB Hiệp định vay và các Hiệp định viện trợ không hoàn lại, Hiệp định Dự án nêu trên với ADB.

Trên cơ sở Quyết định số 1716/QĐ-CTN ngày 04/10/2018 của Chủ tịch nước cho phép đàm phán Hiệp định vay và các Hiệp định viện trợ không hoàn lại, Hiệp định Dự án, ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh (tại công văn số 10036/VPCP-QHQT ngày 16/10/2018) giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức đàm phán Hiệp định vay, các Hiệp định viện trợ không hoàn lại và Hiệp định Dự án nêu trên, Bộ Tài chính đã thông báo cho ADB để nâng cấp thảo luận kỹ thuật thành đàm phán chính thức.

Ngày 28/12/2018, được sự ủy quyền của Chủ tịch nước tại Quyết định số 2417/QĐ-CTN ngày 25/12/2018, Hiệp định vay và các Hiệp định viện trợ không hoàn lại cho Dự án “Nâng cao hiệu quả sử dụng nước cho các tỉnh bị ảnh hưởng bởi hạn hán” đã được ký kết giữa giữa nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt nam và Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB).

Dự án “Nâng cao hiệu quả sử dụng nước cho các tỉnh bị ảnh hưởng bởi hạn hán” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án tại Quyết định số 561/QĐ-TTg ngày 18/05/2018, trị giá 124,26 triệu USD, tương đương 2.808.276,00 triệu đồng. ADB sẽ cho vay 100 triệu USD (tương đương 2.260.000 triệu đồng), viện trợ không hoàn lại 1,05 triệu USD (tương đương 23.730 triệu đồng). Vốn đối ứng của chính phủ khoảng  23,21 triệu USD (tương đương 524.546 triệu đồng) theo tỷ giá tạm tính 22.600 đồng/USD.

Cơ chế tài chính của Dự án: ngân sách nhà nước cấp phát cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đối với phần vốn viện trợ không hoàn lại, cấp phát một phần, cho các tỉnh tham gia Dự án (gồm Ninh Thuận, Bình Thuận, Đắk Nông, Đắk Lắk, Khánh Hòa) vay lại một phần để thực hiện Dự án đối với phần vốn vay của ADB.

- Mục tiêu tổng quát: Hỗ trợ nâng cao hiệu quả sử dụng nước cho các tỉnh bị ảnh hưởng bởi hạn hán năm 2014-2015 thông qua việc phân bổ hợp lý tài nguyên nước để nâng cao giá trị gia tăng của sản xuất nông nghiệp, góp phần thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và thích ứng với biển đổi khí hậu.

- Địa điểm thực hiện dự án: Dự án sẽ thực hiện tại các tỉnh Ninh Thuận, Khánh Hòa, Đắk Lắk, Đắk Nông và Bình Thuận.

- Các điều kiện chính của khoản vay ADB:

        + Lãi suất vay là 2%/năm trên số vốn đã giải ngân.

        + Thời hạn vay của khoản vay là 25 năm, trong đó có 5 năm ân hạn.

        + Ngày kết thúc thực hiện dự án là 31/12/2025.

- Việc thực hiện các quy định tại Hiệp định vay và các Hiệp định viện trợ không hoàn lại của Dự án sẽ góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng nước thông qua cải thiện quản lý tưới từ đó góp phần nâng cao khả năng chống chịu, thích ứng với biến đổi khí hậu tại các tỉnh bị ảnh hưởng bởi hạn hán năm 2014-2015, nâng cao thu nhập cho người dân thông qua việc hỗ trợ kỹ thuật và hướng dẫn người dân trồng các cây trồng có giá trị kinh tế cao, tiết kiệm nước, phù hợp với môi trường tại địa phương như cà phê, hồ tiêu, nho, táo, thanh long, xoài.., đảm bảo sự phù hợp với các mục tiêu về quốc phòng, an ninh trên địa bàn các tiểu dự án, không làm ảnh hưởng đến các công trình quốc phòng và an ninh hiện tại, giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội, đóng góp thiết thực vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

- Dự án hoàn thành sẽ đảm bảo tưới ổn định cho 19.192 ha đất nông nghiệp tập trung cây trồng cạn giá trị kinh tế cao như thanh long, xoài, hồ tiêu, cà phê…; cấp nước tưới, sinh hoạt trực tiếp cho 39.000 hộ dân trong đó bao gồm 18% số hộ dân tộc thiểu số (DTTS). Dự án sẽ nâng cao hiệu quả sử dụng nước trong các hệ thống tưới thuộc các tiểu dự án, giúp cấp nước ổn định, tiết kiệm, linh hoạt và các dịch vụ sẽ đáp ứng tốt hơn cho người sử dụng với hệ thống vận hành được hiện đại hóa, chi phí vận hành bảo dưỡng giảm.

- Dự án sẽ góp phần quan trọng trong việc thực hiện chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp của Chính phủ. Các hoạt động của dự án chủ yếu hướng tới các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, sử dụng ít nước, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu của từng địa phương sẽ không chỉ tăng tính bền vững của dự án về mặt kinh tế, môi trường và khả năng thích ứng với các điều kiện thiên tai hạn hán khác nghiệt mà còn đáp ứng các xu hướng mới trong sử dụng tài nguyên thiên nhiên và sản xuất nông nghiệp, là cơ sở góp phần vào sự nghiệp và phát triển kinh tế, ổn định chính trị xã hội và an ninh quốc phòng cho các tỉnh tham gia Dự án.

Dự kiến, sau khi ký kết,  Hiệp định vay được sẽ có hiệu lực trong vòng 3 tháng và triển khai trong năm 2019.

CÁC TIN KHÁC